(Baoquangngai.vn)- Nghề dệt chiếu cói ở xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) có từ lâu đời. Nhờ nghề này mà nhiều người xây dựng được nhà cửa khang trang, lo cho con cái ăn học thành tài. Dẫu trải qua bao thăng trầm, nhưng nghề chiếu cói ở xã Nghĩa Hòa vẫn duy trì cho đến ngày nay.
Theo các bậc cao niên trong làng, chiếu Thu Xà (Nghĩa Hòa) dày dặn, màu sắc hài hòa, đa dạng mẫu mã, bền và mát nên được khách hàng ưa chuộng. Thời hoàng kim, người người, nhà nhà đều làm chiếu. Sản phẩm làm ra không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dải đất hai bên bờ sông Vực Hồng (thuộc xã Nghĩa Hòa) xưa kia cũng bạt ngàn màu xanh của cói.
>> Xem video:
Theo thời gian, các loại chiếu nhựa, chiếu trúc xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Những ruộng cói dần bị thay thế bởi những hồ tôm. Muốn có nguyên liệu làm chiếu, người dân phải nhập cói từ các tỉnh khác về, nên chi phí tăng lên nhiều lần, dẫn đến nhiều người bỏ nghề.
Từ một làng nghề nhộn nhịp, giờ đây toàn xã Nghĩa Hòa chỉ còn 11 hộ buôn bán và sản xuất chiếu cói. Họ là số ít người tâm huyết, muốn giữ lại nghề truyền thống của cha ông để làng nghề không bị mai một. Trong đó, có 3 hộ đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Cơ sở sản xuất chiếu cói của vợ chồng ông Nguyễn Chi và bà Lê Thị Cơ, ở thôn Hòa Bình có 6 máy dệt, 6 nhân công làm việc thường xuyên. |
Những sợi cói sau khi nhuộm màu sẽ được đem phơi dưới nắng, tạo nên bức tranh sắc màu tuyệt đẹp giữa làng quê. |
|
Gia đình bà Trần Thị Lợi (62 tuổi) có 5 đời gắn với nghề dệt chiếu truyền thống. |
Bà Lợi cho biết, nghề dệt chiếu nhọc nhưng thu nhập không cao. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống của tổ tiên, ông bà để lại. |
Cơ sở sản xuất của bà Lợi đã được đầu tư 7 máy dệt, tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động tại địa phương. |
Thực hiện: THANH AN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: