(Báo Quảng Ngãi)- Việc liên kết và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ở các huyện miền núi hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Rào cản từ quy định
Hiện nay, hầu hết các huyện miền núi chưa thể triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân bởi đơn vị chủ trì liên kết là các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) chưa đáp ứng các điều kiện, quy định về quy mô, cơ sở hạ tầng, tỷ lệ lao động...
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, từ năm 2023, các huyện Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và Trà Bồng đã tập trung triển khai các bước xây dựng kế hoạch, phê duyệt danh mục dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhưng đến thời điểm này, hầu hết các dự án chưa được triển khai. Thực tế, các huyện miền núi có rất ít, thậm chí có địa phương không có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Còn với HTX, hiện có 46/57 HTX đang hoạt động nhưng hầu hết quy mô nhỏ, nguồn vốn ít, năng lực hạn chế. Bên cạnh đó, khi đăng ký tham gia dự án, hầu hết doanh nghiệp, HTX rơi vào tình trạng “đảm bảo năng lực thì không đáp ứng quy định về tỷ lệ lao động là người DTTS và ngược lại”. Theo quy định của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đối tượng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị là các doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), HTX tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS.
Ngoài cây quế, huyện Trà Bồng chưa triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đối với vật nuôi vì đơn vị chủ trì liên kết chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định. Ảnh: MỸ HOA |
Tại huyện Minh Long, HTX Nông lâm nghiệp Đoàn Kết, ở xã Long Hiệp thành lập năm 2016 nhưng đã khẳng định vai trò “bà đỡ” của nông dân, nhất là hỗ trợ DTTS qua việc liên kết sản xuất và tiêu thụ chè xanh, gạo và lá cây sả. Bình quân mỗi tháng, HTX này thu mua khoảng 1,5 tấn chè xanh nguyên liệu để sản xuất, chế biến gần 10 nghìn lít nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt, sữa tắm. Ngoài ra, HTX tiêu thụ gần 2 tấn gạo và một lượng lớn lá sả để chế biến 1.500 lít rượu men lá, cùng tinh dầu sả - khuynh diệp. Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đoàn Kết Phạm Thị Như Ý cho biết, các sản phẩm của HTX bước đầu được người tiêu dùng trong và ngoài huyện đánh giá cao, sản lượng tiêu thụ ổn định và từng bước gia tăng. Riêng 3 sản phẩm là nước rửa chén, nước lau sàn từ chè xanh và rượu men lá đang hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao cấp huyện. Hợp tác xã đang có nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, phát triển sản xuất gắn với xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, cái khó là nguồn vốn hạn chế, nhưng không thể tiếp cận được dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi do chưa đáp ứng tỷ lệ lao động là người DTTS.
Cũng vì không đáp ứng quy định phải có từ 70% tổng số lao động trở lên là người DTTS, nên huyện Ba Tơ hiện không có doanh nghiệp, HTX đủ điều kiện để đề xuất hồ sơ dự án. Đối với huyện Sơn Tây, tiếp nhận 3 hồ sơ đề xuất và đăng ký chủ trì dự án từ giữa năm 2023 nhưng đến giờ vẫn “giậm chân tại chỗ”. Riêng tại huyện Trà Bồng, dự án chỉ thực hiện với cây quế, vì có 2 đơn vị chủ trì liên kết thực hiện là Công ty TNHH Thương mại Đầu tư Lâm Phát và HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trà Phong đáp ứng các điều kiện, quy định của chương trình.
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Không chỉ các địa phương mà dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị do Liên minh HTX tỉnh đề xuất thực hiện tại các huyện Ba Tơ, Sơn Tây và Trà Bồng cũng chưa được cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt. Ngoài lý do đơn vị chủ trì liên kết chưa đáp ứng quy định về tỷ lệ lao động là người DTTS, các dự án chưa đảm bảo các điều kiện về quy mô, thời gian thực hiện, hiệu quả kinh tế. Như các dự án về chăn nuôi (heo địa phương sinh sản, heo ky sinh sản, dê sinh sản, heo thương phẩm, cá tầm) và trồng nấm sò có quy mô tương đối nhỏ (mỗi dự án từ 397 triệu đồng đến gần 980 triệu đồng), mức độ tác động và lan tỏa chưa cao, số hộ tham gia liên kết ít (từ 4 - 10 hộ/dự án). Thực tế cho thấy một số quy định của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa phù hợp với điều kiện ở địa phương. Ngoài ra, phương thức, quy trình, nội dung thẩm định các dự án chưa được hướng dẫn cụ thể.
Các đơn vị chủ trì liên kết không thể tiếp cận dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm. Trong ảnh: Các sản phẩm do Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Đoàn Kết, xã Long Hiệp (Minh Long) sản xuất. Ảnh: MỸ HOA |
Trước những vướng mắc này, chính quyền các huyện miền núi đã kiến nghị tỉnh sớm ban hành phương thức, quy trình, nội dung thẩm định các dự án, làm cơ sở để chính quyền các địa phương tổ chức thẩm định dự án đảm bảo chặt chẽ và chất lượng. Đồng thời, đề nghị tỉnh kiến nghị trung ương điều chỉnh quy định tỷ lệ lao động là người DTTS đối với doanh nghiệp, HTX thực hiện dự án thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX tiếp cận nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào vùng DTTS và miền núi.
MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: