(Baoquangngai.vn)- Dù sắp bước sang tuổi 70, nhưng cựu chiến binh Huỳnh Thân ngụ thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) luôn được mọi người xung quanh kính trọng hết mực bởi đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó trong phát triển kinh tế gia đình và luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương.
Năm 1971, chàng trai trẻ Huỳnh Thân khi ấy chưa đầy 20 tuổi đã lên đường nhập ngũ, tham gia bộ đội tại huyện Nghĩa Hành và được giao nhiệm vụ bộ đội trinh sát. Sau năm 1975, ông xuất ngũ trở về địa phương phát triển kinh tế gia đình. Ông Thân kể lại, lúc bấy giờ, vùng đất đồi tại thôn Khánh Giang vẫn còn hoang vu, chưa được chú trọng khai thác. Nhưng bằng ý chí, nghị lực, sự nhạy bén của người lính và khát khao làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Thân đã mạnh dạng khai hoang vùng đất cằn cỗi để trồng mía và trở thành “vua mía” nổi tiếng một thời.
Kinh tế gia đình ngày một phát triển, ông Thân nhận thấy bản thân mình có nhiều đất nhưng anh em trong gia đình và đồng đội cũ còn thiếu đất sản xuất nên ông cắt lần đất của mình để cho hoặc bán rẻ. Từ 50 ha đất khai hoang ban đầu, ông chỉ để lại cho mình 10 ha.
Trải qua thời gian, thị trường mía bấp bênh, giá mía nguyên liệu xuống thấp, ông Thân chuyển sang trồng keo. Đến khi huyện Nghĩa Hành chủ trương thực hiện cải tạo vườn tạp, phát triển cây ăn quả, ông Thân lại không ngần ngại cải tạo 5 ha đất trồng keo thành vườn cây ăn quả với chừng 400 cây bưởi da xanh, 300 cây sầu riêng, 600 cây mít Thái và cam, quýt các loại...
Vườn bưởi da xanh của cựu chiến binh Huỳnh Thân. |
Ông Thân bộc bạch, trồng cây ăn quả khó hơn trồng keo, mía hay làm cây mì. Để trồng thành công bưởi da xanh ở đất Nghĩa Hành đòi hỏi phải có kinh nghiệm, kỹ thuật. Đặc biệt, mấy năm đầu, cứ vào mùa bưởi đậu quả thì ong trên rừng lại kéo đến chích, khiến vườn bưởi trở nên xơ xác, lác đác còn lại một vài trái còn trên cây.
Nhưng không thể thấy khó mà lui, ông Thân mày mò khắp nơi từ sách, báo, internet để tìm cách ngăn chặn, đồng thời chăm sóc phân, nước đầy đủ. Giờ đây, bình quân mỗi cây bưởi có thể cho 300 - 400 quả/năm. Chỉ tay vào những hàng bưởi trải dài, đang cho trái xanh tốt, ông Thân phấn khởi bày tỏ, tôi vừa mới bán 8 tạ bưởi với giá bình quân từ 15 - 20 nghìn đồng/kg. Hiện còn gần nửa vườn bưởi đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch tiếp theo, ước tính bán được thêm khoảng 6 tạ. Sau đó, tôi lại tiếp tục chăm sóc cây để có trái bán trong vụ Tết.
Vườn sầu riêng của ông Thân đã cho hoa sau 5 năm trồng và chăm bón. |
Dù là vùng đất đồi nhưng nguồn nước ở đây rất dồi dào, cây sầu riêng có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển. Hơn 300 gốc sầu riêng trong vườn của ông Thân đã bắt đầu ra hoa lứa đầu tiên sau hơn 5 năm trồng. Người cựu chiến binh 69 tuổi chia sẻ, dự kiến, năm nay tôi sẽ được thu hoạch những quả đầu tiên. Hy vọng từ năm sau, vườn sầu riêng sẽ được mùa.
Ngoài trồng trọt, ông Thân còn nuôi thêm heo rừng lai. Trong một lần xem tivi, ông Thân nhận thấy loài heo lai dễ nuôi lại đem về lợi nhuận khá nên đã lên huyện Ba Tơ tìm mua heo giống. Cùng với đó, ông Thân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong vườn như mít, thân cây chuối, lá cây… để làm thức ăn chăn nuôi. Phế phẩm từ việc nuôi heo cũng có thể dùng làm nguồn phân bón giúp vườn cây trái thêm tươi tốt.
Riêng việc chăn nuôi heo lai đã đem lại cho ông Thân nguồn thu nhập 40 triệu đồng/năm. |
“Heo được nuôi theo hình thức bán thả rông, heo tự kiếm thức ăn ngoài vườn thì thịt mới đạt chất lượng. Heo nuôi từ 5 - 10 tháng thì xuất bán. Bình quân mỗi năm tôi bán được 2 - 3 tấn thịt heo. Sau khi trừ chi phí, tôi có thể thu về hơn 200 triệu đồng/năm từ mô hình kinh tế nông nghiệp tổng hợp”, ông Thân chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Hành Tín Đông Trịnh Bê cho biết, ông Huỳnh Thân là một cựu chiến binh điển hình của địa phương. Không chỉ nỗ lực sản xuất làm giàu cho gia đình, ông Thân còn hết lòng giúp đỡ những hộ khó khăn tại địa phương vươn lên trong cuộc sống. Ông là tấm gương để mọi người học tập và noi theo.
Bài, ảnh: T.NHÀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: