Bảo vệ cây trồng khỏi sâu bệnh 

09:41, 29/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Toàn tỉnh hiện có trên 12 nghìn héc ta cây trồng nhiễm sinh vật gây hại, tập trung chủ yếu ở cây lúa, mì, keo.

Vụ hè thu 2024, toàn tỉnh gieo sạ gần 35 nghìn héc ta lúa (trong đó lúa trà chính gần 23,9 nghìn héc ta), trên 10 nghìn héc ta bắp, đậu, rau các loại và 11,5 nghìn héc ta mì. Thời điểm này, các loại dịch bùng phát mạnh và lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Ông Trương Phi Khanh, ở xã Đức Nhuận (Mộ Đức) cho biết, hơn 6 sào lúa giống Bắc Thịnh đang giai đoạn trổ bông của gia đình tôi bị nhiễm bệnh, nhất là bệnh khô vằn lan nhanh và khó phòng trừ. Tôi đã phun 2 lần thuốc nhưng vẫn chưa đỡ. Không chỉ sâu bệnh mà chuột cũng gây hại nhiều, nên tôi lo ảnh hưởng đến năng suất.

Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành kiểm tra và hướng dẫn nông dân xã Hành Thuận biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa hè thu 2024.
Cán bộ Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành kiểm tra và hướng dẫn nông dân xã Hành Thuận biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ lúa hè thu 2024.

Hiện nay, nông dân ở các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Bình Sơn, Minh Long và TX.Đức Phổ lo lắng vì dịch bùng phát và lây lan, gây hại nhiều diện tích lúa ở giai đoạn tượng khối - chắc xanh, nhiều nhất là  bệnh khô vằn (hơn 1.300ha) và rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ rầy lên đến 1.000 - 2.000 con/m2... Không chỉ cây lúa, mà các loại cây trồng cạn cũng bị nhiều loại sâu bệnh, nhất là cây mì và cây keo.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 7.600ha mì bị nhiễm bệnh vi rút khảm lá (trên 6.300ha bị nhiễm nặng), chủ yếu ở giai đoạn phát triển củ, mức độ nhiễm từ 50 - 80%, có nơi 100% và gần 2.200ha keo giai đoạn từ 1 - 3 năm tuổi bị bệnh chết héo. Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh (Sơn Hà) Đinh Văn Bum cho biết, vì chưa có giống mì mới nên bệnh vi rút khảm lá vẫn bùng phát và lây lan ngay giai đoạn phát triển củ, khiến người dân vừa thất thu lại tốn kém. Nhiều hộ dân trên địa bàn xã chuyển từ trồng mì sang trồng bắp, đậu phụng nhưng không hiệu quả.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Thế Vĩnh cho biết, thời gian qua, chi cục đã phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, chính quyền các địa phương tích cực triển khai các biện pháp phòng, trừ dịch hại trên cây lúa và hoa màu các loại. Dự báo thời gian đến, một số loại dịch tiếp tục bùng phát và gây hại, nhất là rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại trên cây lúa; bệnh vi rút khảm lá trên cây mì và chết héo trên cây keo.

Do đó, chi cục cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên điều tra, theo dõi diễn biến và thông tin kịp thời tình hình, biện pháp phòng, trừ. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo nông dân thường xuyên kiểm tra ruộng mì, nếu có biểu hiện bị bệnh cần nhổ và tiêu hủy, nếu phát hiện bọ phấn trắng thì sử dụng thuốc phun trừ bọ phấn trắng để tránh lây lan ra diện rộng. Đối với bệnh chết héo trên cây keo, nông dân cần chú trọng vệ sinh vườn keo, tỉa cành, khơi thông rãnh thoát nước, tiêu hủy những cây bị bệnh và sử dụng vôi nông nghiệp để xử lý đất tại vị trí cây bị bệnh để tiêu diệt, cắt đứt mầm bệnh... 

Bài, ảnh: THANH PHƯỚC

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 09:41, 29/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.