Nhân rộng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp

16:27, 20/11/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) giúp nông dân tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn dư trên cây lúa, rau màu. Phương thức sản xuất này góp phần đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Bà Nguyễn Thị Bích, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết, các lớp tập huấn IPM rất hữu ích, giúp tôi nắm vững các kiến thức về chăm sóc, bảo vệ đồng ruộng; biết tính toán và sử dụng thuốc BVTV, phân bón đúng liều lượng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Ứng dụng IPM trong sản xuất lúa, tôi không chỉ bảo vệ sức khỏe bản thân, mà còn tiết kiệm được chi phí sản xuất, năng suất tăng bình quân 3,8 tạ/ha so với ruộng đại trà.

Ứng dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất lúa, giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ứng dụng mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất lúa, giúp nông dân giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Còn bà Nguyễn Thị Sinh, hộ trồng rau ở xã Nghĩa Dũng (TP.Quảng Ngãi) thì chia sẻ, nhờ ứng dụng IPM, mà tôi biết sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách. Hơn nữa, IPM giúp tôi nắm chắc công thức luân canh, xen canh, trồng trái vụ cây trồng hợp lý để cắt nguồn thức ăn của sâu, bệnh. Nhờ đó, năng suất rau nhà tôi trồng tăng lên, chất lượng đảm bảo, tiết kiệm chi phí, nhất là tiền mua thuốc và công phun thuốc từ 90 - 180 nghìn đồng/sào/vụ. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với ruộng đại trà gần 19 triệu đồng/ha.

Năm 2023, các địa phương đã triển khai thực hiện 12 mô hình ứng dụng IPM trong sản xuất lúa, rau màu. Qua đó giúp nông dân thực hành áp dụng tổng hợp các biện pháp quản lý dịch hại, đặc biệt là sử dụng các chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch, chế phẩm nấm đối kháng, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết. Vì vậy, lượng phân bón sử dụng giảm hơn so với đối chứng từ 10 - 15%, số lần phun và sử dụng thuốc BVTV giảm từ 20 - 30%, chi phí giảm 15 - 17%; trong khi năng suất cây trồng cao hơn 7 - 15%, hiệu quả kinh tế tăng thêm 15 - 20%.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng cho rằng, ứng dụng IPM trong sản xuất lúa, rau giúp nông dân nắm bắt các phần sinh vật gây hại trên các loại cây trồng cũng như các loại thiên địch trên đồng ruộng, qua đó đưa ra những giải pháp xử lý khoa học, an toàn với môi trường. Cùng với tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, Phòng NN&PTNT huyện tập trung nhân rộng các mô hình ứng dụng IPM để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 16:27, 20/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.