Để nông dân gắn bó với nghề trồng lúa

21:33, 21/09/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giá lúa gạo liên tục biến động theo hướng tăng cao khiến nông dân - những người trực tiếp được hưởng lợi cảm thấy nức lòng vì có thêm thu nhập. Đây cũng là cơ hội để ngành nông nghiệp cơ cấu lại ngành sản xuất lúa gạo theo hướng ổn định diện tích và sản lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị hạt gạo.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, 8 tháng năm 2023, cả nước đã xuất khẩu gần 5,9 triệu tấn gạo (tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022); kim ngạch xuất khẩu đạt 3,17 tỷ USD (tăng 36,1% so với cùng kỳ năm 2022). Trong những tháng cuối năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh. Dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2023 có thể đạt 8 triệu tấn, kim ngạch thu được từ 4,2 -  4,4 tỷ USD.

Tỉnh ta không phải là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của cả nước, nhưng một bộ phận không nhỏ nông dân sống phụ thuộc vào nghề trồng lúa nước, với diện tích canh tác gần 70 nghìn héc ta mỗi năm. Riêng vụ lúa hè thu năm 2023, toàn tỉnh gieo sạ gần 34 nghìn héc ta, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha. Với giá lúa dao động từ 6.500 - 6.600 đồng/kg thì mỗi héc ta nông dân có lãi từ 20 triệu đồng trở lên, mức cao nhất từ trước đến nay. Điều này giúp nông dân phấn khởi vì có thêm thu nhập, giảm áp lực chi phí đầu tư sản xuất, có động lực để tiếp tục gắn bó với nghề trồng lúa.

Thực tế, dư địa phát triển của nghề trồng lúa, sản xuất gạo của tỉnh ta rất lớn. Xét về nhu cầu tiêu dùng và sản xuất nội địa, mỗi năm cả nước cần khoảng 29,5 triệu tấn lúa (tương đương 20 triệu tấn gạo). Xét về cơ cấu tiêu dùng lương thực thực phẩm của hộ gia đình, gạo vẫn là đối tượng chính (chiếm 70%). Xét về an ninh lương thực, lúa gạo vẫn là mặt hàng ưu tiên hàng đầu trong kho dự trữ tại chỗ. Tuy nhiên, vì nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế, dẫn đến nông dân - người trực tiếp trồng lúa lại có thu nhập thấp nhất trong ngành nông nghiệp. Vì vậy, giá gạo tăng không chỉ là thời cơ cải thiện thu nhập, mà còn là cơ hội để nông dân chuyển tâm thế sản xuất lúa gạo kiểu lấy công làm lời, sang làm lúa có lợi nhuận.

Thời gian qua, việc ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm” (giảm lượng hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất lúa, chất lượng gạo, hiệu quả kinh tế), giúp nông dân giảm từ 20-25% chi phí đầu vào, góp phần gia tăng thu nhập. Song, về lâu dài, ngành nông nghiệp tỉnh cần ổn định diện tích canh tác lúa nhất định trong quỹ đất sản xuất nông nghiệp và khắc phục tình trạng bỏ hoang hóa nhiều vùng đất “bờ xôi ruộng mật”. Qua đó, đảm bảo sản lượng lương thực trong điều kiện thời tiết cực đoan, mưa bão và khô hạn trái mùa, xâm nhập mặn.

Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cũng cần quan tâm hơn đến việc hợp tác, xây dựng kế hoạch đầu tư sản xuất nhằm tạo sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế. Nông dân cũng cần thay đổi phương thức sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết hình thành các hợp tác xã, các chuỗi để được thụ hưởng tốt nhất nguồn cung đầu vào (vật tư phục vụ sản xuất) và đầu ra (nguyên liệu lúa cho doanh nghiệp).

MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 21:33, 21/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.