Tiếp sức hoàn lương

15:12, 12/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để giúp họ xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm ổn định, các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân đã có nhiều giải pháp đồng hành, tiếp sức.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.

Theo đó, đối tượng vay vốn gồm: Người chấp hành xong án phạt tù; cơ sở sản xuất, kinh doanh (bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh) có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Mức vốn cho vay để đào tạo nghề tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tối đa là 100 triệu đồng/người chấp hành xong án phạt tù. Còn cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở...

Thời gian qua, từ các nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng chính sách, nhiều cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người chấp hành xong án phạt tù đã vươn lên, phát triển kinh tế. Quyết định vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp tục bao phủ rộng khắp tín dụng chính sách, kịp thời làm chỗ dựa cho người mới ra tù có cơ hội làm lại cuộc đời.

Cùng với cả nước, nhiều năm qua, Quảng Ngãi cũng đã có nhiều hoạt động, mô hình thiết thực để tiếp sức những người từng lầm lỡ. Tiêu biểu như Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” do Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trại tạm giam, Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh tổ chức hơn 10 năm qua. Chương trình góp phần động viên, khuyến khích các phạm nhân yên tâm học tập, cải tạo để hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Hay mô hình “Tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Nghĩa Hành như cầu nối để những người một thời lầm lỗi hòa nhập với cộng đồng, làm lại cuộc đời. Thông qua mô hình này, Công an huyện Nghĩa Hành đã tặng bò giống, sổ tiết kiệm, kinh phí mua các thiết bị lao động... cho hàng trăm người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, giúp nhiều gia đình vươn lên phát triển kinh tế, nuôi con ăn học trưởng thành.

Trên thực tế, còn nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có hoàn cảnh khó khăn và không có việc làm, nếu không có các biện pháp cảm hóa, giáo dục họ trở thành những người tốt, làm các công việc có ích cho gia đình và xã hội, thì nguy cơ tái phạm tội đối với nhiều người rất cao. Do đó, bên cạnh sự quan tâm hỗ trợ về mặt tinh thần, trợ giúp pháp lý... thì cung cấp nguồn vốn ưu đãi để người chấp hành xong án phạt tù có điều kiện tham gia học nghề, tự tạo việc làm là giải pháp quan trọng để nhiều cuộc đời được mở sang trang mới. Đây cũng là cách góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

UYÊN ANH

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:12, 12/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.