Tiếp sức hoàn lương

03:03, 28/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.
 
[links()]
 
Thượng tá Huỳnh Ngọc Dũng - Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh cho biết, việc quan tâm, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia. Qua đó, giúp người chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên, tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Đơn vị đã phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và các địa phương nắm bắt thông tin đối tượng trong diện tái hòa nhập cộng đồng, tiến hành đánh giá, phân nhóm để có sự hỗ trợ phù hợp. Lực lượng công an cấp xã tích cực phối hợp với các đoàn thể tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người tái hòa nhập cộng đồng ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm. Đơn cử như phối hợp Hội LHTN Việt Nam tỉnh tổ chức Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”; tặng quà cho phạm nhân chấp hành án phạt tù... 
 
Mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Ba Tơ đã giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng có việc làm, ổn định cuộc sống. ẢNH: PV
Mô hình “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Ba Tơ đã giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng có việc làm, ổn định cuộc sống. ẢNH: PV
Từ năm 2020 đến nay, Công an tỉnh chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, chỉ đạo tiếp tục duy trì có hiệu quả 26 mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù như: Mô hình “Tiếp sức hoàn lương” của Công an huyện Nghĩa Hành; “Vườn ươm tiếp sức hoàn lương”, “chung tay giúp đỡ người lầm lỗi ổn định cuộc sống cho người tái hòa nhập cộng đồng” của Công an huyện Ba Tơ; “Xã Trà Thủy không có người chấp hành xong án phạt tù về địa phương tái phạm và vi phạm pháp luật” của Công an huyện Trà Bồng; Chương trình “Vì quê hương Đức Phổ bình yên” của Công an TX.Đức Phổ; “Chung tay xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn” của Công an TP.Quảng Ngãi...
 
Một số đơn vị, địa phương xây dựng triển khai các mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả như: Mô hình “Vận động, quyên góp hỗ trợ con giống cho người tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Ba Khâm (Ba Tơ); “Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh)... Từ năm 2020 đến nay, chính quyền các địa phương trong tỉnh hỗ trợ, giúp đỡ 21 người vay vốn làm ăn, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Giới thiệu 40 người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... Qua đó, hạn chế việc người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội và vi phạm pháp luật ở mức dưới 2,3%.
 
Thượng tá Huỳnh Ngọc Dũng nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số cá nhân được phân công trực tiếp quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù chưa làm hết khả năng, trách nhiệm. Một số mô hình về tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả chưa cao. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn e ngại trong việc tiếp nhận những người có quá khứ lầm lỗi vào làm việc. Chưa có cơ chế, chính sách đào tạo nghề, hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm, cho vay vốn tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù. Việc quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ở một số địa phương mang tính hình thức, chưa có biện pháp động viên, hỗ trợ thiết thực để giúp người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. 
 
BÁ SƠN
 
 

.