Hành lang bảo vệ công trình thủy lợi bị xâm phạm

15:05, 16/10/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hành lang bảo vệ của nhiều công trình thủy lợi bị người dân lấn chiếm không chỉ gây mất an toàn công trình, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm vẫn chưa nghiêm.

Nhiều trường hợp vi phạm

Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Thế Vinh cho biết, vi phạm phổ biến nhất đối với hành lang bảo vệ công trình thủy lợi là người dân trồng cây, xây dựng công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi trong phạm vi bảo vệ đập và bờ kênh. Có trường hợp còn lấn chiếm hành lang để xây tường rào cổng ngõ kiên cố, hoặc tự ý san lấp mặt kênh để dựng lều quán, làm cầu bắc qua kênh. Việc này không chỉ đe dọa sự an toàn của công trình, gây cản trở dòng chảy, mà còn làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Như kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham đoạn qua thôn Hòa Vinh, Hòa Sơn, xã Hành Phước (Nghĩa Hành) bị người dân chôn trụ bê tông để xây tường rào, trồng cây trên mái kênh. Tại Km35+400 qua thôn An Chỉ Tây (Hành Phước), người dân còn dựng trụ bê tông để xây lều quán, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn công trình. Còn tại tuyến kênh sông Giang, đoạn qua thôn Tân Phước, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) và kênh N7 đoạn qua tổ 7, phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi) cũng bị người dân lấn chiếm để xây dựng tường rào cổng ngõ.

Hành lang bảo vệ kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham đoạn qua xã Nghĩa Lâm - Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) bị một số người dân dựng lều quán.
Hành lang bảo vệ kênh chính Nam thuộc hệ thống thủy lợi Thạch Nham đoạn qua xã Nghĩa Lâm - Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) bị một số người dân dựng lều quán.

Đáng ngại nhất là tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ tại hạ lưu đập ngăn mặn An Quang, thuộc đê sông Thoa đoạn qua phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ). Đây là tuyến đê xung yếu, có nhiệm vụ quan trọng trong việc ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ông Nguyễn Thanh L, tổ dân phố Du Quang (Phổ Quang) xây dựng chuồng trại để chăn nuôi vịt. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, đơn vị quản lý vận hành, khai thác công trình đã lập biên bản hiện trạng vi phạm và báo cáo với UBND phường Phổ Quang. Tuy nhiên, ông L chỉ... hứa rồi để đó, chứ không tháo dỡ công trình xây dựng trái phép. Chính quyền địa phương cũng chưa có biện pháp xử lý.

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi, từ tháng 1/2018 đến nay, có 259 vụ vi phạm bảo vệ công trình thủy lợi do đơn vị này quản lý, trong đó có 81 vụ đã được xử lý. Hầu hết các công trình bị lấn chiếm hành lang an toàn thủy lợi là kênh chính thuộc công trình thủy lợi Thạch Nham, kênh nhánh cấp 1, cấp 2. Nguyên nhân là phần lớn các công trình thủy lợi chưa được cắm mốc giới hành lang an toàn, do đơn vị quản lý vận hành không có kinh phí thực hiện. Cộng với công tác quản lý của chính quyền địa phương còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến tình trạng người dân lấn chiếm hành lang để xây dựng chuồng trại chăn nuôi hoặc lán trại để dụng cụ, phương tiện nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. 

Chưa quyết liệt xử lý

Mặc dù, Nghị định số 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022 của Chính phủ có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai và thủy lợi đê điều. Tuy nhiên, thời gian qua, chưa nhiều trường hợp vi phạm bị cấp thẩm quyền xử phạt. Đến thời điểm này, có đến 178/259 vụ việc vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi (do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi quản lý) vẫn chưa bị xử lý. Trong khi đó, đơn vị quản lý, vận hành công trình chỉ có thể lập biên bản hiện trạng vi phạm rồi báo cáo chính quyền địa phương xử lý, chứ không trực tiếp xử phạt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành Đàm Bàng cho biết, hầu hết các vi phạm từ quá khứ do các khu dân cư, cơ sở sản xuất đã hình thành trong phạm vi bảo vệ đê trước khi có Luật Thủy lợi nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Trước mắt, huyện sẽ tập trung xử lý các trường hợp xây dựng công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi… trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình, nhất là tại những vị trí cống, tràn gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ. Đồng thời xây dựng phương án và phân kỳ xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu chính quyền các địa phương có công trình thủy lợi đi qua cần nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp với đơn vị quản lý vận hành tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát các hoạt động trong hành lang, phạm vi bảo vệ. Qua đó, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh, xử lý các vi phạm, gây ô nhiễm môi trường, hoạt động trái phép, không theo giấy phép, không đảm bảo theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động và yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm khôi phục lại hiện trạng ban đầu. Những trường hợp vi phạm không chấp hành thì củng cố hồ sơ, tham mưu cấp thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:05, 16/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.