ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ ĐẦU TƯ
Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Trung tâm XTĐT tỉnh là tổng hợp, tham mưu lãnh đạo Sở KH&ĐT, UBND tỉnh chỉ đạo việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh (Chỉ số PCI). Sự nỗ lực của trung tâm đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chỉ số PCI của Quảng Ngãi.
Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, PCI tỉnh Quảng Ngãi đạt 65,18 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành trên cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2021. Đây cũng là kết quả của những nỗ lực trong việc triển khai các giải pháp điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sự cầu thị, đồng hành và tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong năm 2023, trung tâm tiếp tục tham mưu các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các chỉ số thành phần của PCI, tăng dần vị trí xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh; phấn đấu đưa Quảng Ngãi nằm trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành khá, chỉ số PCI đạt trên 65,5 điểm.
Hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. Ảnh: PD |
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó có 65 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn trên 2 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 627 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn trên 360 nghìn tỷ đồng. Để cải thiện môi trường đầu tư, góp phần nâng cao chỉ số PCI, tỉnh cam kết và nỗ lực thực thi quan điểm: “Xem thành công của nhà đầu tư, doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của các cơ quan nhà nước. Quá trình thu hút, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Quảng Ngãi, tỉnh luôn lắng nghe, nắm bắt kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế.
Năm 2023, tỉnh đã tiếp nhận gần 60 nội dung giải quyết kiến nghị của hơn 20 doanh nghiệp, nhà đầu tư báo cáo về những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, thuế... Trong đó, có 47 nội dung kiến nghị đã được giải quyết dứt điểm. Số lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia kiến nghị ngày càng giảm. Điều này cho thấy, chỉ số thành phần “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh” cải thiện rõ nét được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả; tạo sự hài lòng đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp, tạo tính lan tỏa, từng bước thu hút đầu tư hiệu quả trong công tác XTĐT “tại chỗ”.
Giám đốc Trung tâm XTĐT tỉnh Lê Văn Tài cho biết, nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường, cung cấp thông tin. Đồng thời, tỉnh đã áp dụng những ưu đãi đối với từng nhóm đối tượng thu hút đầu tư như: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất...
NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG LỚN
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra định hướng phát triển dựa trên sự hài hòa giữa 3 trụ cột "kinh tế - xã hội - môi trường". Mục tiêu đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các KCN và CCN tập trung, logistics, kết hợp các tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch; nông nghiệp chất lượng cao và phát triển kinh tế biển.
Một góc Khu Kinh tế Dung Quất. ẢNH: DS |
Theo lãnh đạo Trung tâm XTĐT tỉnh, việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Quảng Ngãi thời gian đến sẽ hướng đến chất lượng dự án, ưu tiên thu hút đầu tư từ các quốc gia có công nghệ hiện đại như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Chú trọng đẩy mạnh XTĐT từ Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu. Đồng thời, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép đầu tư; tăng cường XTĐT “tại chỗ” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của tỉnh là tích cực hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án lớn như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP II Quảng Ngãi (quy mô gần 498ha, tổng vốn đầu tư 3.737 tỷ đồng). Tập trung thu hút đầu tư phát triển trung tâm logistics tại KKT Dung Quất; phát triển công nghiệp hỗ trợ, xây dựng Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất; tập trung nguồn lực đầu tư, xây dựng huyện Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển, đảo của quốc gia.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh cho biết, hướng tới việc xây dựng chính quyền phục vụ doanh nghiệp, Quảng Ngãi luôn lắng nghe, nắm bắt kịp thời những quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là những vấn đề liên quan đến sự hỗ trợ từ đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành; thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hệ thống kết cấu hạ tầng và các loại hình dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực; môi trường cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế.
Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Ngãi sẽ xúc tiến và kêu gọi đầu tư nhiều dự án lớn ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, trọng tâm và ưu tiên hàng đầu vẫn là lĩnh vực công nghiệp, kế đến là dịch vụ, du lịch, thương mại, hạ tầng, giao thông, môi trường, đô thị, khu dân cư. Đi cùng với định hướng thu hút đầu tư, Quảng Ngãi thực hiện các ưu đãi nhằm tăng tính cạnh tranh và tạo sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp.
Đến ngày 20/11/2023, có 4 dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với số vốn đăng ký hơn 172 triệu USD. Lũy kế đến nay có 49/68 dự án FDI đã đi vào hoạt động, 16 dự án đang triển khai. Về tình hình đầu tư trong nước, năm 2023, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 3.400 tỷ đồng; tổng vốn thực hiện của các dự án trong năm qua ước đạt 25 nghìn tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 418/627 dự án đi vào hoạt động, 194 dự án đang triển khai. Ngoài ra, trong năm 2023, tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 9 dự án đầu tư bất động sản để thực hiện đấu thầu, đấu giá theo quy định, với tổng vốn đầu tư 8.580 tỷ đồng... |
PHẠM DANH - TRÚC VIÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: