(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt kết hợp đánh bắt xa bờ với đánh bắt ở tuyến lộng (gần bờ) để nâng cao giá trị kinh tế.
Đa dạng phương thức đánh bắt
Quảng Ngãi có đội tàu cá với trên 4.200 chiếc, trong đó phần nhiều là tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Đây là đội tàu chuyên hoạt động đánh bắt hải sản ở vùng khơi. Tuy nhiên, những năm gần đây, hoạt động đánh bắt ở vùng khơi gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão. Trong khi đó, hoạt động đánh bắt ở tuyến lộng có thời gian đánh bắt ngắn, đa số các tàu chỉ đi và về trong ngày. Hải sản khai thác gần bờ giữ được độ tươi sống, nên giá bán thường cao hơn hải sản đánh bắt xa bờ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác biển của tỉnh đạt trên 150 nghìn tấn (56,6% kế hoạch năm), tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, các tàu cá hoạt động ở tuyến lộng gia tăng chuyến đánh bắt, nhờ đó sản lượng hải sản khai thác đạt cao hơn so cùng kỳ năm trước. |
Xuất phát từ thực tế trên, nhiều ngư dân trong tỉnh đã chuyển hướng đánh bắt. Ngư dân Bùi Đức Khải, ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn), trước đây chỉ chuyên hành nghề lưới vây ở ngư trường Trường Sa. Trung bình mỗi năm, tàu của anh Khải đánh bắt ở khơi xa từ 7 - 9 chuyến. Tuy nhiên, vài năm gần đây, hoạt động đánh bắt vùng khơi không mang lại hiệu quả như trước nên anh Khải chuyển hướng đánh bắt ở tuyến lộng. “Bây giờ nghề biển thất thường nên mình cũng phải tìm cách ứng biến cho phù hợp. Hiện tại, tôi có 2 chiếc tàu, trong đó 1 chiếc trên 700CV chuyên đi đánh bắt ở Trường Sa. Thời gian đánh bắt từ tháng 2 đến tháng 6 hoặc tháng 7 dương lịch hằng năm. Thời gian còn lại, tôi đưa tàu lớn về Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) neo đậu, dùng tàu công suất 350CV đi đánh bắt ở tuyến lộng. Nhờ linh hoạt đánh bắt ở các ngư trường khác nhau đã giúp tôi và anh em bạn tàu có nguồn thu nhập ổn định, trang trải cuộc sống”, anh Khải chia sẻ.
Ngư dân Đỗ Văn Tín, ở xã Bình Hải cũng là một trong những ngư dân đánh bắt đa ngành nghề. Tàu của anh Tín vừa đánh bắt lưới rê ngày, vừa hành nghề lưới rê đêm. Ngoài hoạt động ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa, anh Tín đầu tư thêm tàu công suất nhỏ đi đánh mực cơm, cá nục, cá cơm ở tuyến lộng. “Tình trạng thiếu lao động đi biển ngày càng nan giải. Vì vậy, việc đánh bắt gần bờ sáng đi chiều về, hoặc chiều đi sáng sớm hôm sau về sẽ thuận tiện hơn. Hơn nữa vào mùa mưa bão, đánh bắt gần bờ sẽ chủ động, hôm nào thời tiết xấu thì mình nghỉ ở nhà để đảm bảo an toàn", anh Tín cho hay.
Hải sản đánh bắt gần bờ sau khi cập cảng Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) được thương lái thu mua với giá cao. Ảnh: H.HOA |
Cần tiếp sức cho ngư dân
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, ngư trường đánh bắt thu hẹp, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt, vì vậy ngư dân cần năng động, linh hoạt trong quá trình khai thác hải sản ở cả tuyến lộng và xa bờ. Tuy nhiên, Luật Thủy sản quy định các tàu cá đánh bắt hải sản ở tuyến lộng phải có chiều dài dưới 15m. Vậy nên, để đa dạng phương thức sản xuất, ngư dân cần cả tàu lớn và tàu nhỏ để tuân thủ đúng quy định. Tỉnh khuyến khích các mô hình sản xuất mới, phù hợp với thực tiễn, đem lại giá trị kinh tế cao.
Thực tiễn cho thấy, các mô hình đánh bắt hải sản ở cả tuyến lộng và xa bờ đem lại nhiều lợi ích như giảm cường lực tác động lên trữ lượng hải sản, giúp hải sản có thể tái tạo, phát triển. Đồng thời, đầu ra hải sản sau khai thác thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá. Bên cạnh đó, việc sản xuất đa nghề, kiêm nghề của ngư dân còn giúp quá trình tái cơ cấu lại nghề cá được thuận lợi. Tuy nhiên, thực tế không phải ngư dân nào cũng đủ điều kiện để sắm cả 2 chiếc tàu để vừa đánh bắt xa bờ, vừa đánh bắt gần bờ. Vì vậy, ngư dân rất cần chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đóng mới, cải hoán tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ phù hợp với từng ngành nghề đánh bắt. Ngoài ra, ngành chức năng cần mở các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức cho ngư dân.
HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: