Dầm mình bắt vẹm

09:20, 24/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Dầm mình ở các ao tôm, đi dọc theo các cửa sông để bắt vẹm đen đã trở thành nghề mưu sinh của nhiều người dân ở các xã Tịnh Hòa, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).

Nghề lắm nhọc nhằn

Giữa trưa, bà Nguyễn Thị Thu Thùy, ở thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) vẫn miệt mài ngâm mình dưới các hồ tôm bỏ hoang, rồi bám theo lạch nước dọc cảng cá Tịnh Kỳ để bắt vẹm đen. Sau vài lần vùi rổ xuống đáy hồ tôm, bà Thùy lại đưa rổ lên trên mặt nước đảo qua, đảo lại cho hết bùn và tạp chất để tìm vẹm. Cứ thế, bà Thùy di chuyển hết chỗ này đến chỗ khác tìm vẹm. Theo chia sẻ của bà Thùy, trước đây vợ chồng bà làm nghề muối ở xã Tịnh Hòa, nhưng nghề muối dần bị xóa bỏ nên đã chuyển sang mưu sinh bằng nghề bắt vẹm hơn chục năm qua.

Người dân mang vẹm đến khu vực cầu tràn, gần chợ bờ Đắp, xã Bình Châu (Bình Sơn) để bán cho thương lái.
Người dân mang vẹm đến khu vực cầu tràn, gần chợ bờ Đắp, xã Bình Châu (Bình Sơn) để bán cho thương lái.

Bất kể nắng hay mưa, bà Thùy đều đi dọc theo các hồ tôm, lạch ven biển để bắt vẹm. Nghề bắt vẹm rất nhọc, bởi phải ngâm mình cả ngày dưới những vùng nước đen ngòm. Có hôm bị nổi mẩn ngứa khắp người do nguồn nước bị ô nhiễm. “Công việc bắt vẹm của tôi thường bắt đầu từ 1 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Nhiều lúc thấy mệt, cũng muốn nghỉ ngơi ít hôm, nhưng nghĩ đến không có tiền cho con ăn học, trang trải cuộc sống nên tôi lại mang rổ đi bắt vẹm. Trung bình mỗi ngày, tôi kiếm được 250 - 300 nghìn đồng. Cũng nhờ nghề này mà tôi đã nuôi 3 đứa con học đại học. Hiện 2 đứa đã tốt nghiệp", bà Thùy nói.

Bắt vẹm cũng là nghề mưu sinh chính của ông Nguyễn Quế, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Ông Quế cho biết, vẹm đen thường sống ở các hồ tôm bỏ hoang, ven chân cầu, bãi đá hay các thân cọc gỗ vùng nước lợ ở cửa sông. Công việc tuy không gò bó thời gian, làm nhiều quen tay, nhưng ngâm mình dưới nước thường xuyên khiến cơ thể yếu đi. Đôi lúc giẫm phải mảnh sành, mảnh vỏ chai sắc nhọn nên cũng nguy hiểm. 

Ông Nguyễn Quế, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) đã gắn bó với nghề bắt vẹm hơn chục năm qua.
Ông Nguyễn Quế, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) đã gắn bó với nghề bắt vẹm hơn chục năm qua.

Sinh kế của người dân ven biển

Đa số người dân làm nghề bắt vẹm là lao động ven biển, không có đất sản xuất, không có vốn đầu tư tàu cá hành nghề khai thác hải sản... Con vẹm có trong tự nhiên, người dân chỉ cần trang bị rổ nhựa và 1 chiếc xẻng nhỏ là có thể bắt vẹm. Những năm trước, giá vẹm từ 4.000 - 6.000 đồng/kg, giúp người dân có thu nhập khá. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, giá thu mua vẹm đen giảm còn 3.000 đồng/kg. Trung bình một ngày, mỗi người bắt được từ 100 - 150kg vẹm, mang lại thu nhập từ 300 - 450 nghìn đồng/người/ngày.

Vẹm xanh có giá trị dinh dưỡng cao, trở thành món ăn yêu thích của nhiều thực khách và được thu mua với giá cao. Còn vẹm đen ít thịt nên chủ yếu bán cho những người nuôi tôm hùm hoặc nuôi cua biển. Khoảng 3 - 4 giờ chiều hằng ngày, người dân sau khi bắt vẹm sẽ mang đến khu vực gần chợ bờ Đắp, xã Bình Châu (Bình Sơn) để bán cho thương lái. “Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua từ 5 - 7 tấn vẹm đen của người dân khai thác ở các xã chở về. Vẹm sau khi thu mua sẽ được vận chuyển vào các tỉnh phía nam để bán cho người nuôi tôm hùm”, một thương lái chuyên thu mua vẹm đen ở xã Tịnh Kỳ cho biết.

Với nhiều người dân ở các xã ven biển Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa, Tịnh Khê, nghề bắt vẹm tuy không phải là nghề có thu nhập cao nhưng nhờ nghề này mà nhiều người đã có tiền để trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Đối với họ, công việc tuy nhọc nhằn, dầm mình cả ngày dưới nước, nhưng đó là kế mưu sinh nên luôn nỗ lực gắn bó với nghề. 

Bài, ảnh: AN NHIÊN 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:20, 24/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.