(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc người dân tham gia bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng.
Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã tập trung huy động và đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác khôi phục, bảo vệ và phát triển diện tích rừng ven biển. Từ năm 2021 - 2023, hơn 2.300ha rừng ven biển được khôi phục, quản lý bảo vệ và phát triển; trong đó có 1.300ha rừng phòng hộ và rừng ngập mặn, tập trung ở TX.Đức Phổ (gần 560ha) và huyện Mộ Đức (gần 460ha), Bình Sơn (gần 200ha).
Người dân tích cực
Tại huyện Mộ Đức, địa phương hiện có gần 460ha rừng ven biển, trong đó có nhiều diện tích rừng ở các xã Đức Phong, Đức Thạnh, Đức Thắng, Đức Chánh được bảo vệ, chăm sóc và phát triển tốt. Nhiều hộ gia đình, cá nhân và tổ chức cộng đồng ở các địa phương trên thường tổ chức các hoạt động ra quân dọn vệ sinh, chăm cây bệnh, ươm cây con.
Ông Võ Bá Diệp, ở thôn Dương Quang (Đức Thắng) cho biết, mưa gió thường xuyên xảy ra khiến cây dương bị chết, ngã đổ nhiều nên rừng dương ngày càng thưa, dẫn đến hiệu quả ngăn gió chắn cát giảm. Chúng tôi phải thường xuyên tỉa cây dọn cành, chăm bón cây con để rừng dương phát triển, phát huy tác dụng chắn gió, chắn cát, bảo vệ nhà cửa của người dân.
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đang là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: PV |
Tại các khu rừng ngập mặn thuộc các xã Bình Dương, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Phước (Bình Sơn), người dân cũng tích cực tham gia khôi phục, chăm sóc và bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Duy Nghĩa, ở thôn Thuận Phước (Bình Thuận) cho biết, mùa này cây cóc trắng dễ hư hại, lá úa vàng nên phải thường xuyên thăm nom, chăm sóc để cây phát triển tốt. Việc chăm sóc, bảo vệ rừng cây cóc trắng cũng là giữ “cần câu cơm” cho gia đình tôi cũng như các hộ dân ở địa phương. Bởi từ năm 2019, khi nguồn lợi thủy sản khu vực ven biển ngày càng giảm thì tại rừng ngập mặn, sản lượng và chủng loại tôm, cá dồi dào. Khách du lịch đến tham quan rừng ngập mặn ngày càng tăng, giúp chúng tôi có thêm thu nhập từ nghề hướng dẫn viên.
Ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tập trung huy động và đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực để khôi phục, bảo vệ và phát triển diện tích rừng ven biển. Điển hình là dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” tỉnh Quảng Ngãi do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại đã tổ chức chăm sóc, phục hồi, trồng bổ sung gần 100ha rừng, kinh phí thực hiện hơn 1,5 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, rừng ngập mặn không chỉ chống sạt lở, hạn chế tình trạng xâm thực mà còn bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế cho người dân qua việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Vì vậy, người dân trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ, tích cực đóng góp nguồn lực, tham gia bảo vệ và khôi phục rừng ven biển, góp phần phát triển và mở rộng diện tích rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ và rừng ngập mặn.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Tuy đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và sinh kế của người dân nhưng hiện nay, diện tích rừng ven biển chiếm tỷ lệ rất thấp (tổng diện tích có rừng trên toàn tỉnh đạt trên 333 nghìn héc ta, trong đó rừng ven biển khoảng 2.300ha). Vì vậy, cùng với việc trồng mới, chính quyền và người dân các địa phương ven biển đã nỗ lực chăm sóc, khôi phục nhiều diện tích rừng ven biển bị hư hỏng.
Người dân thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận (Bình Sơn) thường xuyên kiểm tra, chăm sóc rừng cây cóc trắng. |
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Ngọc Tưởng cho biết, cây già hoặc bị ngã đổ do thiên tai là nguyên nhân khiến rừng “nghèo”, mật độ thưa, dẫn đến hiệu quả ngăn cát, chắn gió giảm. Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, chính quyền và người dân nỗ lực khôi phục, chăm sóc gần 100ha rừng phòng hộ bị ngã đổ, hư hỏng do thiên tai.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, để thực hiện có hiệu quả Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng ven biển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030”, cũng như hoàn thành mục tiêu khôi phục và trồng mới 1.300ha rừng ven biển trong năm 2024, Sở NN&PTNT triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Theo đó, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, chọn, tạo và sản xuất các giống cây phù hợp gắn với hoàn thiện cơ sở dữ liệu rừng vùng ven biển, phục vụ công tác quản lý và giám sát. Phối hợp với chính quyền các địa phương ven biển tăng cường tuyên truyền nâng cao năng lực, nhận thức về vai trò, giá trị của rừng ven biển để cộng đồng, người dân tích cực tham gia bảo vệ, chăm sóc và phát triển. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội hóa, gắn với hình thành tổ quản lý rừng cộng đồng nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của rừng để phát triển du lịch sinh thái, tạo sinh kế cho người dân.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: