(Báo Quảng Ngãi)- Các công trình đê chắn sóng, kè chống sạt lở được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ tạo vành đai bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, mà còn tạo cảnh quan, khai thác quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tạo diện mạo mới
Từ khi công trình đê biển Thạnh Đức, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ) hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân ở 2 tổ dân phố (TDP) Thạnh Đức 1, Thạnh Đức 2 không còn thấp thỏm lo sạt lở, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải tấp vào bờ. Công trình còn kết nối đê nam đồng muối với tuyến đường chính được mở rộng, bê tông sạch đẹp, tạo thuận lợi cho người dân đi lại cũng như giao thương. Ông Võ Thu, ở TDP Thạnh Đức 2 cho biết, trước khi có tuyến đê biển Thạnh Đức, khu vực TDP Thạnh Đức 1, Thạnh Đức 2 là nơi rác thải từ biển dạt vào; đường đất nhỏ hẹp, nắng bụi mưa bùn nên người dân đi lại rất khó khăn...
Không chỉ đáp ứng mục tiêu bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, mà kè chống sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) còn tạo cảnh quan, quỹ đất sạch ven biển. |
Năm 2022, công trình đê biển Thạnh Đức dài hơn 2.400m được xây dựng hoàn thành, với tổng mức đầu tư hơn 146 tỷ đồng. Nhờ đó, diện mạo hạ tầng và cảnh quan môi trường ở địa phương trở nên sạch đẹp. Tuyến đường chính được mở rộng, bê tông kiên cố; tình trạng rác thải tấp vào bờ biển không còn; nhà cửa của người dân được xây dựng, sửa sang lại khang trang hơn.
Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh Nguyễn Văn Lượng cho biết, không chỉ chống sạt lở bờ biển, đảm bảo an toàn dân sinh, hạn chế ô nhiễm môi trường, mà đê biển Thạnh Đức còn tạo quỹ đất. Chính quyền và người dân địa phương đã kiến nghị UBND thị xã sớm đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào khu vực này. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao hiệu quả công trình theo hướng đa mục tiêu, bền vững.
Còn tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), người dân ở thôn Kỳ Xuyên phấn khởi khi tuyến kè biển dài hơn 1.000m, với vốn đầu tư 70 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, được xây dựng hoàn thành. Tuyến kè không chỉ đảm bảo an toàn cho 130 hộ dân trong thôn yên tâm sinh sống, mà còn tạo thuận lợi về giao thương qua việc hình thành tuyến đường lớn dọc bờ biển.
Kè chống sạt lở bờ sông Phủ thuộc xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), đoạn từ cầu Phủ đến đập Bến Nén cũng góp phần tạo diện mạo mới cho địa phương, nâng cao giá trị quỹ đất. Ông Huỳnh Văn Vinh, ở thôn An Hà 3 cho biết, kè sông được kiên cố giúp người dân yên tâm không lo sạt lở; đường ven kè được mở rộng và bê tông nên cảnh quan ven sông Phủ sạch đẹp và trong lành hơn. Dọc bờ kè sông Phủ ngày càng nhộn nhịp với các hoạt động mua bán, đây còn là nơi vui chơi, hóng mát của người dân trong thôn.
Linh hoạt trong việc xây dựng kè
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện còn khoảng 250 điểm, vùng sạt lở bờ sông, bờ biển, cửa biển, khu dân cư. Việc đầu tư xây dựng kè kiên cố bằng bê tông cốt thép, kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong khi nguồn lực địa phương có hạn. Vì vậy, chính quyền các địa phương đề xuất phương án xây dựng kè từ các loại cây có khả năng chịu ngập nước và tái sinh chồi mạnh, có tác dụng tốt trong việc giữ đất, chống sạt lở.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) Phạm Thị Công cho rằng, ưu việt của kè sinh thái là không phá hủy cảnh quan sinh thái, tăng độ che phủ rừng để giữ đất, giữ mạch nước ngầm, chống xói lở hiệu quả, đồng thời giảm áp lực về dòng chảy ven bờ, tránh tình trạng “làm đầu này, lở đầu kia”. Công trình kè chống sạt lở bờ biển thôn Phổ Trường (dài gần 750m) được đưa vào sử dụng giữa năm 2022. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, điểm cuối bờ kè chưa được kiên cố bị sạt lở với tốc độ nhanh, mức độ xâm thực lớn. Do đó, nếu không tiếp tục đầu tư sẽ ảnh hưởng đến an toàn và hiệu quả của cả tuyến kè dài gần 750m vừa được kiên cố.
Chủ tịch UBND TX.Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, trong điều kiện biến đổi khí hậu và nguồn lực hạn chế, UBND thị xã tính toán thiết lập nhiều tuyến kè bằng các loại cây trồng phù hợp với đặc điểm, tình trạng và mức độ sạt lở của từng khu vực. Việc làm kè không chỉ thực hiện mục tiêu chống sạt lở, bảo vệ tính mạng và tài sản người dân, mà còn gìn giữ và tái tạo cảnh quan môi trường, tạo sinh kế cho người dân qua việc phát triển sản xuất, gắn với du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Thời gian đến, ngành chức năng cần xây dựng chương trình khắc phục sạt lở bờ biển, bờ sông tổng thể và đồng bộ, tạo điều kiện để chính quyền địa phương triển khai các phương án ứng phó, bảo vệ phù hợp.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: