(Báo Quảng Ngãi)- Dự kiến từ ngày 25 - 31/5, Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc chấp hành các quy định chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU). Do đó, hiện nay chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh đang chạy nước rút để hoàn thành các khuyến nghị của EC...
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Một trong những khó khăn hiện nay, đó là phát hiện và xử lý các vi phạm của tàu cá tham gia khai thác hải sản trên biển. Bởi lẽ, EC đã nhấn mạnh: Chỉ cần còn 1 tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, Việt Nam sẽ không thể gỡ được “thẻ vàng”. Chính vì vậy, thời gian qua, cùng với các tỉnh, thành phố trong cả nước, chính quyền các địa phương ven biển và các lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra và thực hiện các chế tài nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân để thực hiện đúng quy định của pháp luật khi đánh bắt trên biển. Tại các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trong tỉnh, lực lượng bộ đội biên phòng cùng với Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá đã đến gặp từng chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên để phát tài liệu, giải thích cặn kẽ những quy định trong chống khai thác IUU, nhất là các hình thức xử phạt nếu vi phạm...
Lực lượng Ban Quản lý cảng cá Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) kiểm tra và giải quyết các thủ tục xuất, nhập cảng cho ngư dân. |
Theo đó, ngoài phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, chủ tàu bị tịch thu phương tiện khai thác thủy sản, tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản, thuyền trưởng bị tước bằng và chứng chỉ. Đồng thời, chủ tàu cá vi phạm phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước và các chi phí liên quan khác. Chủ tàu Nguyễn Tấn Dũng, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) cho biết, tôi luôn ý thức thực hiện tốt các quy định của pháp luật, không vì lợi ích của bản thân mà vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy sản, để không ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản của tỉnh trong suốt 5 năm qua.
Chi cục Thủy sản tỉnh đã nỗ lực thực hiện các đầu việc chống khai thác IUU. Đến thời điểm này, đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) tàu cá cho 2.943/3.185 tàu cá có chiều dài 15m trở lên (đạt gần 99%); đánh dấu tàu cá cho 4.387/4.523 tàu cá (đạt trên 97% tổng số tàu cá đã đăng ký), trong đó 100% tàu cá đã đăng kiểm thực hiện đánh dấu tàu cá; cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch cho 2.903/3.185 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (đạt trên 91%)... Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát trên 3.000 lượt tàu cá xuất/nhập qua trạm kiểm soát biên phòng, với số lượng thuyền viên gần 18,3 nghìn lượt người.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, từ nay đến khi Đoàn thanh tra EC sang kiểm tra, chi cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ đội biên phòng theo dõi 24/24 giờ hệ thống giám sát hành trình hoạt động trên biển của tàu cá trong tỉnh. Qua đó, kịp thời thông báo đến chủ tàu, thuyền trưởng, chính quyền, để kịp thời phối hợp xử lý thông tin tàu mất kết nối hoặc vượt ranh giới trên biển. Bên cạnh đó, chi cục phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương ven biển và cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh thường xuyên giám sát, kiểm tra và kịp thời nhắc nhở, xử lý những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm chống khai thác IUU.
Quyết tâm hoàn thành các đầu việc
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Đó là vẫn còn tình trạng tàu cá của tỉnh vi phạm quy định về chống khai thác IUU, chỉ trong tháng 4/2023, các cơ quan chức năng của tỉnh đã xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP đối với 16 trường hợp/16 phương tiện, với số tiền 323 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Trần Phước Hiền yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương nỗ lực, quyết tâm thực hiện hoàn thành các đầu việc về chống khai thác IUU trước ngày 24/5/2023.
Theo đó, trọng tâm là quản lý và giám sát, đảm bảo không có tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; tăng cường thực hiện thủ tục đăng kiểm, đăng ký đảm bảo 100% tàu cá có giấy phép khai thác thủy sản khi hoạt động trên biển; 100% tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng như lắp đặt thiết bị VMS tàu cá. Thực hiện việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định, bảo đảm 100% hồ sơ các lô hàng xuất khẩu truy xuất được nguồn gốc thủy sản khai thác... Đồng thời, tiến hành rà soát, đối chiếu các hồ sơ, sổ sách ghi chép liên quan đến khai thác thủy sản đảm bảo đúng quy định, khoa học và thuận lợi nếu Đoàn thanh tra EC yêu cầu.
Chỉ đạo xóa tên 244 tàu cá Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản tỉnh rà soát, tổng hợp và thực hiện xóa tên tàu cá trong Sổ đăng ký tàu cá quốc gia và đưa ra khỏi hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia đối với 244 tàu cá của tỉnh. Trong đó, TX.Đức Phổ có 84 tàu; TP.Quảng Ngãi 81 tàu; huyện Bình Sơn 74 tàu, Lý Sơn 4 tàu và Mộ Đức 1 tàu. Đây là các tàu cá không còn tồn tại trên thực tế, hoặc mua bán, chuyển nhượng nhiều năm nhưng không thực hiện thủ tục đăng ký, xóa đăng ký tàu cá theo quy định. Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Lý Sơn, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi chỉ đạo các địa phương phối hợp thông báo cho chủ tàu cá thực hiện thủ tục đăng ký, xóa đăng ký tàu cá theo quy định. |
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: