Thận trọng với hàng hóa không rõ nguồn gốc

10:23, 09/11/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hàng hóa tại các chợ, cửa hàng rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, nhưng vấn đề khiến nhiều người lo ngại là tính hợp pháp của chúng.

Xuất xứ không rõ ràng

Tại các chợ đầu mối và cửa hàng bán lẻ, người tiêu dùng dễ dàng thấy nhiều sản phẩm có chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; hoặc chỉ có thông tin địa chỉ đóng gói mà không có nơi sản xuất. Ví dụ, bột ngọt M.Z được bày bán phổ biến tại hầu hết các chợ, cửa hàng, siêu thị, nhưng trên bao bì chỉ ghi sản phẩm được đóng gói tại Việt Nam bởi một doanh nghiệp (DN) ở TP.Hồ Chí Minh, không có thông tin về địa chỉ sản xuất khiến người tiêu dùng không an tâm.

Người tiêu dùng nên mua hàng tại những đại lý, cửa hàng phân phối chính thức để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Người tiêu dùng nên mua hàng tại những đại lý, cửa hàng phân phối chính thức để hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Thúy, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi) cho biết, dù đã sử dụng loại bột ngọt M.Z trong thời gian dài, nhưng tôi không đọc kỹ thông tin trên bao bì, chỉ thấy dòng chữ “đóng gói tại Việt Nam” là cảm thấy yên tâm. Tuy nhiên, gần đây, khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi phát hiện bao bì sản phẩm này không có thông tin tên và địa chỉ DN sản xuất trước khi đóng gói, nên cảm thấy lo lắng. Khi tôi hỏi người bán, thì được trả lời rằng, hàng chất lượng, cứ yên tâm dùng!

Tương tự, nhiều mặt hàng trong lĩnh vực thời trang, mỹ phẩm... tại các chợ, cửa hàng cũng không rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ. Tại một cửa hàng mỹ phẩm, phụ kiện trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Quảng Ngãi), nhiều sản phẩm nội địa và nhập khẩu, từ sản phẩm làm đẹp đến túi xách, nước hoa, quần áo, phụ kiện... được bày bán. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm, như nước hoa, chỉ có chữ tiếng nước ngoài, không có thông tin nào khác, kể cả nhãn phụ tiếng Việt. Mặc dù chủ cửa hàng cam kết nước hoa do các DN có thương hiệu sản xuất, nhưng sản phẩm không có nhãn hàng hóa, bao bì không chứa thông tin nguồn gốc, xuất xứ. Trong khi đó, nhãn hàng hóa là cơ sở xác định nguồn gốc sản phẩm thông qua thông tin được cơ sở sản xuất đăng ký và cơ quan chức năng cấp phép, bao gồm: Tên sản phẩm, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Chị Trần Thị Thu Tâm, ở thị trấn La Hà (Tư Nghĩa) cho rằng, nhiều sản phẩm quần áo được bày bán tại một số cửa hàng thời trang lớn nhưng không có nhãn hàng hóa. Còn giày dép thì gắn nhãn thương hiệu Adidas, Nike... và được chủ cửa hàng nói là hàng nhập khẩu, nhưng sản phẩm không có mã vạch, không có nhãn phụ tiếng Việt. Tôi mong cơ quan chức năng có quy định rõ ràng hơn trong việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh mua phải hàng giả giá cao.

Hãy là người tiêu dùng thông thái

Sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tiêu dùng của người dân, mà còn tác động tiêu cực đến thị trường, xâm hại các DN làm ăn chân chính. Ngoài nỗ lực của cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách mua hàng tại các cửa hàng, đại lý phân phối chính thức.

Quản lý một cửa hàng túi xách có thương hiệu trên đường Hùng Vương, phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) cho biết, ngoài sự khác biệt về chất liệu, hình thức, logo, mã vạch, bao bì, giá cả... các sản phẩm thương hiệu có hóa đơn chứng từ rõ ràng, có tem chống hàng giả. Với hàng nhập khẩu, sẽ có nhãn phụ tiếng Việt rõ ràng.

 

Cũng theo chia sẻ của người quản lý này, một cách quan trọng giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật - giả và xác định xuất xứ là thông qua mã vạch in trên sản phẩm. Bởi các DN làm ăn minh bạch đều đăng ký mã vạch cho sản phẩm và được cơ quan chức năng cấp chứng nhận. Mã vạch có 2 loại: Mã 8 số và mã 13 số, cả 2 mã đều có cách nhận diện giống nhau, trong đó 3 chữ số đầu là nơi xuất xứ, ví dụ: 893 là Việt Nam; 880 là Hàn Quốc; 885 là Thái Lan; 690, 691, 692, 693 là hàng sản xuất tại Trung Quốc... Ngoài ra, người tiêu dùng cần hình thành thói quen tra cứu nguồn gốc hàng hóa, đây là giải pháp để truy ngược từ sản phẩm đang bày bán về nơi sản xuất ban đầu, từng bước theo thời gian, địa điểm của quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, bảo quản, vận chuyển, phân phối và kinh doanh.

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Trần Xuân Thương cho biết, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường hàng hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ đạo các đội quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... Đồng thời, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý kịp thời những thông tin, phản ánh của người dân về các hành vi liên quan đến hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 10:23, 09/11/2024

Ý kiến bạn đọc


.