Tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã

15:20, 03/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bình Sơn là huyện có số lượng hợp tác xã (HTX) tương đối nhiều so với các địa phương khác trong tỉnh. Hoạt động của các HTX đã góp phần quan trọng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều HTX gặp khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Trung 1 Phạm Số cho biết, HTX đã hoạt động hàng chục năm tại địa phương, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận cho thuê đất. Vì thế, mỗi lần HTX muốn mở rộng dịch vụ hay mô hình sản xuất, kinh doanh đều phải lên UBND xã xin giấy xác nhận, mất nhiều thời gian.  UBND huyện Bình Sơn cần thành lập tổ tư vấn rà soát lại đất của các HTX và nguyên nhân do đâu vẫn chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ đó, có hướng dẫn thực hiện để giải quyết vướng mắc, giúp HTX yên tâm hoạt động.

Sản xuất tảo tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường (Bình Sơn). 
Ảnh: H.HOA
Sản xuất tảo tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường (Bình Sơn). Ảnh: H.HOA

Trong khi đó, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Khương Nguyễn Thọ chia sẻ, HTX muốn đo đạc lại diện tích đất đang quản lý, nhưng vì diện tích ít (khoảng 10ha) nên đơn vị tư vấn không làm. Do đó, để thuận lợi, HTX đề xuất huyện cần rà soát, tập hợp những HTX có nhu cầu để tìm đơn vị tư vấn đo đạc, hỗ trợ thủ tục thuê đất...

Theo thống kê, huyện Bình Sơn có 44 HTX; trong đó, có 40 HTX nông nghiệp, 4 HTX phi nông nghiệp, với trên 14 nghìn thành viên. Phần lớn các HTX trên địa bàn huyện đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vướng mắc này đã khiến các HTX khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.

Bên cạnh những vướng mắc về đất đai và khó khăn tiếp cận vốn tín dụng, các HTX nông nghiệp cho rằng, định mức cấp bù thủy lợi phí hiện nay là quá thấp so với giá điện. Trong khi đó, thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài, nhiều vùng đã thiếu nước phục vụ sản xuất vụ hè thu. Để đảm bảo chống hạn cho cây trồng, các địa phương đã huy động giếng khoan, trạm bơm hết công suất, dẫn đến chi phí tăng lên khá cao.

Tháo gỡ vướng mắc để phát triển

Các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Sơn hoạt động chủ yếu tập trung vào dịch vụ thủy lợi, cung ứng nước sinh hoạt, vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, tín dụng nội bộ, dịch vụ quản lý chợ và liên kết sản xuất lúa giống. Bên cạnh đó, một số HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất vi tảo, sản xuất nước mắm. Hoạt động của các HTX nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ, dần dần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và góp phần giảm nghèo. Đồng thời, các HTX còn giúp UBND xã, thị trấn tham gia điều hành, chỉ đạo sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và khuyến nông.

Mới đây, UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức hội nghị đối thoại với các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực này. Thông qua các đề xuất, kiến nghị của các HTX, huyện đã giao cho từng phòng, ban, ngành chuyên môn để trả lời, hướng dẫn cho các HTX cũng như đưa ra các giải pháp thực hiện. Trong đó, lưu ý các HTX cần dựa vào quy hoạch đất của địa phương nơi HTX hoạt động để xin cấp đất hoặc thuê đất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của huyện sẽ sớm được tháo gỡ, tạo điều kiện để các HTX phát triển. Riêng các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, huyện sẽ kiến nghị lên cấp trên. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương cần tiếp tục quan tâm, định hướng giúp các HTX nông nghiệp đổi mới hoạt động, mở rộng các hoạt động kinh doanh, liên kết sản xuất và chế biến, tiêu thụ nông sản, áp dụng các hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường hiện nay.

HỒNG HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:20, 03/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.