Đẩy mạnh đào tạo, chuyển đổi nghề

08:44, 31/07/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Việc đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi nghề gắn với nhu cầu thực tế đã tạo động lực giúp người dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo trong tỉnh nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Trước đây, vợ chồng chị Phạm Thị Teo, ở thôn Hy Long, xã Ba Điền (Ba Tơ), không có việc làm ổn định nên cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau. Năm 2023, chị Teo được Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi nghề từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau hơn 1 năm được hỗ trợ, gia đình chị Teo tích cực làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Chị Teo cho biết, những năm trước, vì không có tay nghề, lại thiếu vốn và đất đai sản xuất, nên thu nhập của vợ chồng tôi rất bấp bênh. Sau khi được địa phương hỗ trợ 1 máy băm đất, gia đình tôi nhận băm đất thuê cho người dân ở địa phương; đồng thời tích góp vốn thuê thêm đất để trồng keo, mì... Nhờ đó, kinh tế gia đình ngày càng khá lên.

Nhờ được hỗ trợ phương tiện sản xuất, gia đình chị Phạm Thị Teo, ở thôn Hy Long, 
xã Ba Điền (Ba Tơ), đã vươn lên thoát nghèo.
Nhờ được hỗ trợ phương tiện sản xuất, gia đình chị Phạm Thị Teo, ở thôn Hy Long, xã Ba Điền (Ba Tơ), đã vươn lên thoát nghèo.

Từng là hộ cận nghèo, đời sống khó khăn, nhưng đến nay, cuộc sống của gia đình chị Phạm Thị Hạnh, ở thôn Ra Manh, xã Sơn Long (Sơn Tây), đã được cải thiện. Chị Hạnh chia sẻ, năm 2023, tôi tham gia lớp học nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và được địa phương hỗ trợ 2 con bò cái sinh sản từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Qua đó, tôi nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho bò và áp dụng vào chăn nuôi, nên đàn bò sinh trưởng tốt và đã đẻ được nghé con.

“Nhờ được hỗ trợ bò giống sinh sản và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò, tôi biết cách chăn nuôi bò khoa học hơn. Từ ngày bò mẹ đẻ nghé con, gia đình tôi có động lực vươn lên, hăng hái lao động, nên cuộc sống dần ổn định. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng chuồng trại, nhân đàn bò sinh sản để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình”, chị Hạnh chia sẻ.

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Sơn Tây Phạm Đại Quang, thời gian qua, huyện Sơn Tây đã tích cực triển khai dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã mở các lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho hơn 300 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Công tác đào tạo nghề bám sát với nhu cầu thực tế và theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”, đã giúp nhiều lao động ở địa phương từng bước cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ năm 2022 đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các phòng chuyên môn, địa phương trong tỉnh tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho gần 2.500 lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Cùng với đó, tổ chức 10 phiên giao dịch việc làm tại các huyện nghèo,  huyện đảo và kết nối, hỗ trợ 91 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...

 

Bài, ảnh: HẢI CHÂU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:44, 31/07/2024

Ý kiến bạn đọc


.