Cảng nước sâu Dung Quất hiện giảm lượng tàu trọng tải lớn ra, vào so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh: T.NHỊ |
Ngoài ra, một số chỉ tiêu khác cũng gặp phải những khó khăn khách quan nên chỉ số sản xuất cũng giảm như bia và bánh kẹo các loại. Trong đó, đối với sản phẩm bánh kẹo, kế hoạch đột phá thị trường xuất khẩu trong năm 2024 đã gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của mặt hàng cùng loại khiến cho một số đơn hàng đã bị thay đổi. Sản phẩm đường các loại của Công ty CP Đường Quảng Ngãi mặc dù vẫn mang lại lợi nhuận, nhưng thiếu tính ổn định, lượng đường tồn kho tăng cao.
Mục tiêu của Quảng Ngãi đề ra trong năm 2024 là đạt tốc độ tăng trưởng từ 2,5 - 3%. Những khó khăn của ngành công nghiệp cũng đã được dự báo từ trước và đưa ra con số giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2024 giảm ở mức 3,0%, do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng hoạt động bảo dưỡng tổng thể lần 5. Hiện tại, không chỉ sản lượng dầu giảm sâu mà sản lượng thép cũng giảm, dù ban đầu dự kiến tăng mạnh ở mức 5,5 triệu tấn. Trong khi đây lại là 2 sản phẩm chiếm đến 75% giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh. Nếu 2 sản phẩm này giảm sẽ dẫn đến là chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh cũng sẽ giảm theo.
Hiện tại, một số chỉ tiêu khác trong 7 chỉ tiêu kinh tế đề ra trong năm 2024 cũng đang có dấu hiệu không đạt. Như trong lĩnh vực xây dựng, với sự trầm lắng của thị trường bất động sản và những khó khăn khác của người dân, doanh nghiệp nên nhu cầu xây dựng bị cắt giảm. Đối với công trình, dự án đầu tư từ ngân sách, những vướng mắc về mặt bằng khiến việc thi công, giải ngân bị đình trệ. Chỉ tiêu về thu hút đầu tư ngoài ngân sách do chưa hoàn thành việc phê duyệt các quy hoạch phân khu trong KKT Dung Quất nên chưa đủ cơ sở thu hút dự án như kế hoạch đề ra. Vì thế, muốn vực dậy kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tất cả những khó khăn này phải được tập trung tháo gỡ.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đi kiểm tra thực tế một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và làm việc với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Qua đó, một số vướng mắc cụ thể đã có phương án giải quyết, đặc biệt là bố trí tái định cư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thi công công trình; phương án bố trí vốn cho một số công trình... Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Công trình, dự án trọng điểm của tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ.
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ xem xét kiến nghị của doanh nghiệp giải quyết vướng mắc về đất đai để khơi thông điểm nghẽn đầu tư ngoài ngân sách. Hợp lực cùng tỉnh, các doanh nghiệp cũng cần nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, tăng cường xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm, tạo lực đẩy phục hồi sản xuất.
THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: