Kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh

17:06, 23/05/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, tích cực thu hút đầu tư, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp (DN). Cùng với đó, tỉnh tăng cường kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, DN làm ăn chân chính.
 
Sau thời gian mở rộng cửa thu hút đầu tư với chính sách ưu đãi vượt trội, Quảng Ngãi đã kêu gọi được nhiều DN trong và ngoài nước đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Đến nay, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 349 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 390 nghìn tỷ đồng. Trong đó có 65 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 284 dự án đầu tư trong nước, có 254 dự án đi vào hoạt động. Cùng với sự phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ sôi động mà cộng đồng DN mang lại thì Quảng Ngãi cũng đối diện với nhiều thách thức trong quá trình kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, đặc biệt là DN FDI.
Nhập hàng xuất khẩu tại cảng nước sâu Dung Quất (KKT Dung Quất).
Nhập hàng xuất khẩu tại cảng nước sâu Dung Quất (KKT Dung Quất).


Mới đây, Cục Hải quan tỉnh đã phải tạm dừng thông quan một lượng lớn hàng hóa xuất khẩu của 2 DN FDI tại KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Nguyên nhân là do những mặt hàng này không nằm trong danh mục hàng hóa sản xuất, kinh doanh mà DN đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận. Ngay sau đó, Cục Hải quan tỉnh đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, các DN có hàng hóa để tìm hiểu nguyên nhân, bàn giải pháp tháo gỡ. Phương châm là tạo điều kiện cho các DN FDI nhanh chóng được thông quan, giải phóng hàng hóa, nhưng phải đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và những quy định pháp luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Hiện tại, số hàng hóa này vẫn chưa được chấp nhận thông quan và DN xuất khẩu đang phải hoàn thiện một số thủ tục để hàng hóa đảm bảo tính pháp lý.

Theo phản ánh của ngành thuế, thời gian gần đây tại Quảng Ngãi xuất hiện tình trạng chuyển dịch một số hàng hóa, dịch vụ và tài sản giữa các thành viên trong tập đoàn không theo giá thị trường, nhằm giảm số thuế phải đóng. Các phòng chức năng của Cục Thuế tỉnh đã phải phối hợp với các đơn vị có liên quan để kiểm soát, chứng minh hành vi vi phạm chính sách thuế để có cơ sở buộc DN phải nộp đủ. Tuy nhiên, theo ngành thuế, việc nhận diện vi phạm trong trường hợp này là rất khó, mất nhiều thời gian và phải có biện pháp thích hợp. Mục đích là buộc DN có vi phạm phải thừa nhận sai phạm, tự giác khắc phục, góp phần bảo vệ môi trường đầu tư, hội nhập bình đẳng và bền vững.

Theo nhận định từ Sở Công thương, việc hội nhập kinh tế sâu rộng tất yếu sẽ phát sinh những vấn đề phức tạp trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hành vi chuyển giá hoặc lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để trục lợi. Các vấn đề này cần phải kiểm soát chặt chẽ, bởi khi tình trạng này gia tăng sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Ngành thuế cần tăng cường kiểm soát, không để DN lợi dụng chính sách để trốn thuế; thu đúng, thu đủ thuế vào ngân sách, đảm bảo công bằng trong kinh doanh.

Về phía kiểm soát hàng hóa thông quan, Cục Hải quan tỉnh khẳng định luôn nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn cho DN trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, Cục Hải quan tỉnh luôn lắng nghe và đồng hành cùng DN, truyền tải các thông tin về cơ chế, chính sách  hải quan tới cộng đồng DN. Tuy nhiên, cũng sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ, phát hiện vi phạm để chấn chỉnh, nếu đến mức độ phải xử phạt thì sẽ tuân thủ đúng quy định của pháp luật nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các DN.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:06, 23/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.