Siết chặt quản lý khai thác khoáng sản

09:25, 23/05/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các hoạt động thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao hiệu quả quản lý

Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho biết, thời gian qua, Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát nên các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng và chế biến khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp. Các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khoáng sản đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến nhằm gia tăng giá trị khoáng sản, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động chế biến đá tại mỏ đá Hòn Gai, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa).
Hoạt động chế biến đá tại mỏ đá Hòn Gai, xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa).

Năm 2023, nguồn thu thuế tài nguyên đạt trên 217 tỷ đồng, thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đạt gần 570 tỷ đồng và phí BVMT đạt gần 22 tỷ đồng. Quý I/2024, thu thuế tài nguyên đạt gần 60 tỷ đồng; thuế BVMT gần 136 tỷ đồng và thu phí BVMT đạt 6,4 tỷ đồng. Hiện toàn tỉnh có 79 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, vật liệu san lấp đang hoạt động và có 16 khu vực được cấp phép khai thác khoáng sản trong dự án đầu tư xây dựng công trình. Hầu hết các chủ mỏ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, quá trình khai thác thực hiện đúng phương án thiết kế mỏ đã được tỉnh phê duyệt.

Như tại mỏ cát Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) được tỉnh cấp quyền khai thác cho Công ty TNHH Xây dựng Vương Thắng (TP.Quảng Ngãi) từ tháng 7/2023, với công suất 30 nghìn mét khối/năm. Quá trình hoạt động, chủ mỏ tuân thủ phương án khai thác đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, nhằm hạn chế bụi cũng như giảm thiểu đến mức thấp nhất những tác động bất lợi đến chất lượng nước sông phía hạ lưu (thuộc khu vực khai thác). Ông N.T.M, ở thôn Vạn Xuân 2 cho biết, qua quan sát của người dân, từ khi mỏ cát Vạn Xuân 2 đưa vào hoạt động đến nay chưa phát hiện DN gian dối trong việc né trạm cân; DN cũng thường xuyên tưới nước khu vực đường ra vào mỏ để hạn chế bụi. 

Tăng cường giám sát

Chủ tịch UBND xã Hành Thiện Phạm Thị Bích Hoa cho rằng, do lực lượng mỏng, cán bộ xã chưa được đào tạo chuyên môn về khoáng sản, môi trường và xã chưa được cấp quyền truy cập các dữ liệu liên quan đến các hoạt động tại mỏ nên việc giám sát đôi lúc chưa kịp thời. Về phía các DN cho rằng, ngay khi được cấp quyền khai thác, DN thực hiện lắp đặt trạm cân và camera giám sát tại mỏ. Các dữ liệu được lưu trữ đầy đủ để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, so sánh khi các cơ quan chức năng có yêu cầu. Các chủ mỏ cũng mong muốn cơ quan chức năng chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, để tạo sự ổn định cho thị trường.

Thị trường tiêu thụ cát trầm lắng, nên lượng cát trữ tại mỏ Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) khá lớn.
Thị trường tiêu thụ cát trầm lắng, nên lượng cát trữ tại mỏ Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) khá lớn.

Quyền Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Đức Trung cho rằng, quản lý và giám sát hoạt động các mỏ khoáng sản không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành TN&MT, mà cần sự vào cuộc của các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương theo trách nhiệm, thẩm quyền đã được giao. Chính quyền cơ sở cần chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành TN&MT để tiếp cận kịp thời, đầy đủ từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, cho phép thu hồi khoáng sản, đóng cửa mỏ. Qua đó vừa tạo thuận lợi trong quy trình, thủ tục hành chính cho DN, vừa nâng cao tinh thần trách nhiệm quản lý khoáng sản của địa phương.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 09:25, 23/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.