Phương pháp bảo trì năng suất toàn diện: Nâng cao hiệu quả sản xuất

14:09, 09/11/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Việc ứng dụng phương pháp bảo trì năng suất toàn diện (TPM) tại các doanh nghiệp (DN) đã góp phần bảo đảm hiệu quả thiết bị, tối đa hóa hiệu suất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo môi trường làm việc an toàn.

Phương pháp hữu ích

Total Productive Maintenance - bảo trì năng suất toàn diện (TPM) là một phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản. Đây là phương pháp quản lý liên kết 2 khái niệm bảo trì và năng suất chất lượng, nhằm khai thác tối đa các nguồn lực sẵn có của đơn vị sản xuất, bao gồm công nghệ, thiết bị, con người. Phương pháp TPM tập trung chủ yếu vào việc trao quyền cho nhân viên và khuyến khích tất cả nhân viên nắm quyền sở hữu máy móc, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên bảo trì. Bằng cách đó, khuyến khích thái độ chủ động đối với các vấn đề phát hiện và trách nhiệm bảo trì máy móc, thiết bị của tất cả người lao động trong DN. Mục tiêu của phương pháp TPM là không có lỗi ngoài kế hoạch, không có lỗi sản phẩm và không có tai nạn, giúp DN tối đa hóa hiệu suất sử dụng thiết bị, nâng cao năng suất với một hệ thống bảo trì được thực hiện trong suốt vòng đời của thiết bị. Đồng thời, nâng cao ý thức và sự hài lòng với công việc của người lao động. Điều này sẽ giúp DN giảm thiểu chi phí sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Nhà máy Bánh kẹo Biscafun đã ứng dụng phương pháp TPM để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhà máy Bánh kẹo Biscafun đã ứng dụng phương pháp TPM để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, năm 2015, Công ty TNHH Điện tử Sumida Quảng Ngãi đã ứng dụng phương pháp TPM. Anh Võ Thanh Nam - Nhân viên Phòng Kỹ thuật (Công ty TNHH Điện tử Sumida Quảng Ngãi) cho biết, thông qua phương pháp TPM, công ty đã ứng dụng thành công chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể OEE, nhờ đó giúp nhân viên cải tiến kịp thời từng thiết bị máy móc, khắc phục được những tổn thất như dừng máy, hàng lỗi... Bên cạnh đó, hằng năm, Công ty TNHH Điện tử Sumida Quảng Ngãi còn chú trọng đầu tư thiết bị, máy móc và tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho người lao động, xây dựng môi trường làm việc an toàn, giúp người lao động phát triển năng lực, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Với mục tiêu hỗ trợ DN giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, những năm qua, Sở KH&CN đã phối hợp với Viện Năng suất Việt Nam tổ chức các khóa đào tạo về ứng dụng phương pháp TPM cho các DN trong tỉnh.

Nhà máy Bánh kẹo Biscafun (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) cũng là một trong những DN trên địa bàn tỉnh ứng dụng thành công phương pháp TPM. Theo Phó Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Bánh kẹo Biscafun Ngô Đình Khai, sau khi tham gia khóa đào tạo về phương pháp TPM do Sở KH&CN tổ chức, đã giúp lãnh đạo, bộ phận kỹ thuật nhà máy nắm bắt toàn diện các vấn đề bảo dưỡng, bảo trì thiết bị; chú trọng đến việc cải tiến các thiết bị, công nghệ và quy trình sản xuất. Nhờ đó, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp nhà máy xác định phần trăm thời gian sản xuất theo kế hoạch có hiệu quả, hạn chế được sản phẩm lỗi, giảm chi phí sản xuất. “Để thực hiện hiệu quả phương pháp TPM, định kỳ hằng tháng, nhà máy đều tổ chức họp để phân tích, tìm ra những nguyên nhân làm cho chỉ số hiệu suất thiết bị tổng thể OEE chưa đạt mong muốn nếu có và đề xuất những kế hoạch, giải pháp cho tháng tiếp theo. Qua đó, nhà máy đã khuyến khích người lao động nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giúp nhà máy không ngừng nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm”, ông Khai chia sẻ.

Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam Nguyễn Tùng Lâm, phương pháp TPM là một trong những phương pháp quản lý sản xuất hiệu quả nhất hiện nay. Thông qua phương pháp TPM sẽ giúp DN duy trì chế độ bảo dưỡng định kỳ, khắc phục được các lỗi hư hỏng của các thiết bị, máy móc; không ngừng cải tiến nâng cao hiệu quả hoạt động của thiết bị và nâng cao tinh thần, trách nhiệm, năng lực của người lao động. Phương pháp TPM phù hợp đối với tất cả các DN sản xuất, kể cả DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trên thực tế, phương pháp TPM chưa được nhiều DN quan tâm ứng dụng. Bởi để triển khai hiệu quả phương pháp TPM đòi hỏi DN cần tập trung nỗ lực cải tiến vào hai đối tượng quan trọng, đó là con người và hệ thống máy móc. Doanh nghiệp không thể nâng cao hiệu suất thiết bị nếu không thay đổi được thái độ và kỹ năng của con người. Bên cạnh đó, lãnh đạo cao nhất trong DN đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo dựng môi trường khuyến khích, hỗ trợ thực thi và duy trì những thay đổi. Điều này yêu cầu DN khi áp dụng phương pháp TPM phải chuẩn bị kỹ càng các nguồn lực cần thiết và có phương pháp triển khai có hệ thống.

“Hiện nay, chưa có nhiều DN ở Quảng Ngãi ứng dụng phương pháp TPM, bởi còn gặp nhiều lúng túng trong cách tiếp cận. Do đó, thời gian tới, Viện Năng suất Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Sở KH&CN tăng cường mở các khóa đào tạo, hỗ trợ các DN ở Quảng Ngãi ứng dụng phương pháp TPM, giúp DN không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất và uy tín trên thị trường”, ông Nguyễn Tùng Lâm cho hay

Bài, ảnh: MỸ DUYÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 14:09, 09/11/2023

Ý kiến bạn đọc


.