(Báo Quảng Ngãi)- Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang tập trung tái đàn gia súc, gia cầm để phục vụ thị trường Tết.
Bà Nguyễn Thị Giáng Kiều, ở xã Đức Lân (Mộ Đức) thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, để chăn nuôi an toàn. |
Sau hơn 10 ngày vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, gia đình chị Nguyễn Thị Muộn, ở thôn Vùng 5, xã Phổ Thuận (TX.Đức Phổ) đã thả nuôi hơn 2.000 con gà giống vào vụ Tết. So với năm trước, năm nay, chị Muộn chủ động giữ nguyên số lượng, không tăng đàn, nhưng chuyển đổi hình thức nuôi nhốt chuồng thành nuôi thả vườn. Theo chị Muộn, năm nay, giá gà ta tăng cao, luôn giữ mức ổn định từ 125 - 135 nghìn đồng/kg, nên nuôi gà thả vườn thu lãi cao hơn nhiều so với nuôi nhốt chuồng. Do đó, tôi đã chủ động mở rộng khu vực nuôi, tạo khuôn viên rộng rãi, thoáng mát cho gà và trồng thêm các loại rau cho gà ăn. “Vụ nuôi này, tôi không chạy theo số lượng mà chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Bởi phần lớn các hộ chăn nuôi đều tăng đàn dịp Tết, trong khi thị trường biến động khó lường, nên để đầu ra tiêu thụ ổn định, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, tôi chọn nuôi gà thả vườn. Tuy thời gian nuôi kéo dài hơn, nhưng ngược lại giúp tôi tiết kiệm được chi phí thức ăn, giá bán lại cao hơn nhiều so với nuôi nhốt chuồng, nên lợi nhuận thu về cao hơn”, chị Muộn cho hay.
Khác với mọi năm, chăn nuôi vụ Tết năm nay, bà Nguyễn Thị Giáng Kiều, ở thôn Thạch Trụ Đông, xã Đức Lân (Mộ Đức) không thả nuôi heo một lượt mà bà chọn giãn cách thời gian thả nuôi. Bà Kiều cho biết, với cách làm này, tôi có thể hạn chế rủi ro do biến động giá cả thị trường. Trong chuồng nuôi của tôi hiện đã có 20 con heo đạt trọng lượng từ 20 - 30kg và tôi đang chuẩn bị thả nuôi 20 con heo hơn 35 ngày tuổi. “Giá heo hơi đang giảm ở mức 52 nghìn đồng/kg, song giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Để tránh thiệt hại, chăn nuôi có lãi, ngoài thả nuôi giãn cách, tôi giảm thức ăn công nghiệp, tăng thức ăn thô xanh và đặc biệt chú trọng phòng, chống dịch bệnh. Tôi luôn giữ cho chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát và tiêm vắc xin, bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ, nên đàn heo sinh trưởng rất tốt”, bà Kiều nói.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đỗ Văn Chung, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được kiểm soát, không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, chăn nuôi vụ Tết là thời điểm mưa lũ, thời tiết diễn biến thất thường, nên dễ phát sinh các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đang phối hợp với các địa phương, đơn vị chuyên môn triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi và tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2 trong năm. “Để chăn nuôi vụ Tết đạt hiệu quả, người chăn nuôi cần có kế hoạch phát triển đàn vật nuôi phù hợp, khoa học, tránh tái đàn ồ ạt, không sát với nhu cầu thị trường. Quá trình nuôi phải vệ sinh, khử trùng chuồng trại và tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi. Khi phát hiện gia súc, gia cầm chết bất thường, hoặc nghi mắc các bệnh truyền nhiễm thì phải báo ngay cho cơ quan thú y để kịp thời có biện pháp xử lý, không để dịch bệnh lây lan diện rộng”, ông Chung khuyến cáo.
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: