(Báo Quảng Ngãi)- Bằng trí tuệ, bản lĩnh và ý chí quyết tâm, nhiều doanh nhân đã đưa doanh nghiệp (DN) vượt qua mọi khó khăn, gặt hái nhiều thành tựu trong sản xuất, kinh doanh (SX, KD). Qua đó, khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thương trường và đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.
Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Trần Ngọc Hải (ngoài cùng bên phải) trao đổi về chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của đơn vị. |
Nhạy bén trong kinh doanh
Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi được xem là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực SX, KD tinh bột mì và cồn thực phẩm của cả nước, cũng như khu vực Đông Nam Á. Công ty hiện đang sở hữu 10 nhà máy chế biến tinh bột mì (có 2 nhà máy tại Lào) và 7 công ty thành viên. Công suất chế biến hơn 10 triệu lít cồn và 500 - 550 nghìn tấn tinh bột mì mỗi năm, trong đó có 80 nghìn tấn tinh bột mì biến tính (sản phẩm cao cấp).
Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã đầu tư liên kết hình thành và quản lý khoảng 95 nghìn héc ta mì trong cả nước, tập trung ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Từ năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát, cùng với bệnh vi rút khảm lá mì xuất hiện và lan rộng, nhiều diện tích sản xuất mì nguyên liệu do công ty quản lý bị nhiễm bệnh. Điều này dẫn đến hoạt động SX, KD của công ty gặp nhiều khó khăn, vì chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi hàng hóa tiêu thụ chậm, thậm chí tồn kho.
Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Trần Ngọc Hải chia sẻ, bệnh vi rút khảm lá mì không chỉ làm nông dân chật vật vì thu nhập giảm, mà còn khiến DN đuối sức vì nguồn nguyên liệu không đảm bảo cả về sản lượng lẫn chất lượng. Có thời điểm, các nhà máy chế biến tinh bộ mì chỉ hoạt động 50 - 60% công suất vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu. Để giải quyết tình trạng này, Tổng Giám đốc Trần Ngọc Hải đề xuất ý tưởng với Ban Giám đốc công ty mạnh dạn đầu tư hơn 7,5 tỷ đồng (từ năm 2020 - 2023) để mua và cung ứng nguồn giống sạch bệnh cấp cho người dân trong vùng sản xuất nguyên liệu. Công ty tham gia cùng ngành chuyên môn và chính quyền địa phương nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cho người dân.
Bên cạnh đó, công ty đã đầu tư trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ số để quản lý, điều hành. Các nhà máy được đầu tư dây chuyền sản xuất theo công nghệ tuần hoàn khép kín, từ nhập nguyên liệu đến tạo thành phẩm. Riêng bã mì tươi được thu hồi triệt để qua hệ thống sấy, tạo phụ phẩm cung cấp cho các DN chế biến thức ăn chăn nuôi. Việc xử lý khí thải theo hướng tận thu toàn bộ nhiệt và khí đưa vào phục vụ sấy sản phẩm, sấy bã vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm lượng khí phát thải ra bên ngoài. Qua đó, giúp DN tiết kiệm được thời gian và chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Sau 3 năm đảm nhận vị trí “thuyền trưởng”, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Trần Ngọc Hải đã cùng với tập thể Ban lãnh đạo công ty nỗ lực chèo lái, đưa DN vượt qua khó khăn, đạt hiệu quả cao trong SX, KD, với tổng doanh thu hơn 6.700 - 7.200 tỷ đồng/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt từ 160 - 170 triệu USD (55% tổng doanh thu). Riêng 9 tháng năm 2023, sản lượng chế biến đạt 280 nghìn tấn tinh bột mì, doanh thu 4.300 tỷ đồng, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 1.600 lao động, với thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/tháng.
Doanh nghiệp SX, KD đạt hiệu quả, người trồng mì nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy của công ty cũng được hưởng lợi. Ông Đinh Văn Hiền, ở thôn Làng Ghè, xã Sơn Linh (Sơn Hà) chia sẻ, từ năm 2020 đến nay, năm nay là vụ mì vui nhất của gia đình tôi. Vui vì giống mì do nhà máy hỗ trợ ít bị nhiễm bệnh nên năng suất và sản lượng đạt cao. Cùng với đó, nhà máy bao tiêu toàn bộ củ mì tươi với giá cao (hơn 3.000 đồng/kg).
“Niềm vui của nông dân chính là động lực để Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi nỗ lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp liên kết hình thành vùng nguyên liệu, tập trung ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Riêng ở Quảng Ngãi, công ty sẽ tiếp tục đầu tư từ 2 - 2,5 tỷ đồng để cấp giống mì sạch bệnh cho người dân trong vụ sản xuất 2023 - 2024 sắp đến”, ông Trần Ngọc Hải cho biết.
Nặng lòng với thiện nguyện
Bên cạnh nỗ lực nâng cao hiệu quả SX, KD, những năm qua, cộng đồng DN, doanh nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực đóng góp cùng với tỉnh chăm lo công tác an sinh xã hội, coi đây là trách nhiệm của DN.
Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Anh Vũ, ở phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) Lê Quốc Võ là một trong những doanh nhân tích cực đóng góp cho công tác xã hội từ thiện. “Anh Võ đã đồng hành cùng Hội Khuyến học phường Phổ Hòa hàng chục năm nay. Ngoài nguồn đóng góp thường xuyên từ người thân và DN của mình, anh Võ còn nhiệt tình huy động bạn bè, các nhà hảo tâm, DN... đóng góp để thực hiện các chương trình an sinh xã hội ở địa phương. Qua đó, động viên kịp thời cả vật chất, lẫn tinh thần cho các em học sinh, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn", Phó Chủ tịch HĐND phường, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phổ Hòa Lê Thị Hoa cho biết.
Anh Lê Quốc Võ đồng hành cùng phong trào khuyến học, khuyến tài ở phường Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) hàng chục năm qua. |
Không chỉ trực tiếp hỗ trợ và huy động kinh phí để trao tặng gần 300 suất học bổng khuyến học, khuyến tài và xe đạp cho học sinh nghèo học giỏi mỗi năm, anh Lê Quốc Võ đã tư vấn cho Hội Khuyến học phường Phổ Hòa thay đổi phương thức trao quà để “nhiều người cùng thụ hưởng”. Những ngày đầu tháng 10/2023, thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Phổ Hòa (TX.Đức Phổ) hồ hởi đón nhận chiếc ti vi màn hình 65inch được trang bị ở phòng học số 8. Đây là chiếc ti vi thứ 9 thầy và trò Trường Tiểu học và THCS Phổ Hòa được Hội Khuyến học phường trao tặng, từ ý tưởng đề xuất của anh Võ. Trước đó, Trường Mầm non Phổ Hòa cũng được Hội Khuyến học phường tặng 6 chiếc ti vi để lắp đặt tại các phòng học, phòng chức năng. Vậy là năm học này, tất cả phòng học của các trường từ bậc mầm non đến THCS trên địa bàn phường Phổ Hòa đã được lắp đặt ti vi màn hình lớn, giúp việc dạy và học được thuận lợi, hiệu quả hơn.
Bà Lê Thị Hoa cho biết, từ nguồn hỗ trợ, quyên góp và vận động của anh Võ, sắp đến phường sẽ trang bị máy móc, thiết bị cho các tổ dân phố phục vụ công tác tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung của chuyển đổi số, hướng đến xã hội số.
Là người đồng hành cùng các phong trào thiện nguyện, an sinh xã hội của phường Phổ Hòa, nhưng anh Võ khiêm nhường bảo, đó là sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Năm 2022, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tặng Bằng khen cho Cộng đồng phường Phổ Hòa vì đã đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập, thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020.
Trong nhịp sống hối hả và sự cạnh tranh gay gắt trên thương trường, đội ngũ doanh nhân của Quảng Ngãi luôn hành động bằng cả tấm lòng, thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: