Tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh

10:44, 29/09/2023
.

Những tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp (DN) rất cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, chuẩn bị hàng hóa cho thị trường Tết. Các ngân hàng thương mại đã chủ động xây dựng các gói tín dụng linh hoạt, phù hợp cho từng phân khúc nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của DN, người dân.

Ngân hàng thừa vốn

Tính đến cuối tháng 8/2023, tổng nguồn vốn huy động toàn ngành ngân hàng đạt 80,1 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 62,6 nghìn tỷ đồng. Hiện nguồn vốn dôi dư tại các ngân hàng khoảng 17,5 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022. Điều này chứng tỏ ngân hàng không thiếu vốn, nhưng khả năng hấp thụ vốn của thị trường thấp.

Các ngân hàng hiện đang dồi dào nguồn vốn để  cho vay.
Các ngân hàng hiện đang dồi dào nguồn vốn để  cho vay.

Theo chia sẻ từ các ngân hàng, mặc dù ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nhưng khả năng phục hồi của DN chưa có sự bứt phá, vì vậy nhu cầu vốn rất ít. Dự báo, khả năng tăng trưởng từ nay đến cuối năm sẽ tập trung chủ yếu ở những khách hàng có nhu cầu chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết, song sẽ không có sự đột biến như những năm trước. Những DN có khả năng tăng đột biến như năng lượng, sản xuất mía đường, tinh bột sắn, những ngành sản xuất công nghiệp dự kiến năm nay cũng sẽ tăng trưởng không cao hơn năm 2022.

Không chỉ phân khúc cho vay đối với khách hàng DN mà cả khách hàng cá nhân cũng có sự tăng trưởng chậm. Nguyên nhân là do thị trường bất động sản vẫn đang trầm lắng. Dự kiến nhu cầu tiêu dùng về ô tô sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Điều này cho thấy tín dụng bán lẻ nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng sẽ tăng nhưng ở mức độ vừa phải do thu nhập của người dân bị giảm sút nên sẽ cắt giảm chi tiêu.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng đưa ra trong năm 2023 là 14%. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tăng trưởng mới chỉ đạt khoảng 6%, điều này cho thấy dư địa tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đang dồi dào. Bên cạnh đó, nguồn vốn của các ngân hàng đang thừa rất nhiều, trong khi đó, lãi suất huy động hiện nay đang rất thấp. Đây là nguồn lực rất lớn để cung cấp vốn cho nền kinh tế.

Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho rằng, việc huy động nguồn vốn dồi dào nhưng không cho vay ra được cũng tạo ra áp lực cho hệ thống ngân hàng thương mại. Vì vậy, Vietcombank Quảng Ngãi đang thực hiện nhiều giải pháp để "bơm" vốn cho nền kinh tế. Về lãi suất dành cho khối DN hiện đã giảm sâu so với 3 năm trước. Đặc biệt là những DN có dòng tiền tốt, phương án khả thi, có mức độ giao dịch với ngân hàng lớn thì lãi suất chỉ nằm ở mức 4,5 - 5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn dành cho khách hàng cá nhân mới cũng chỉ ở mức 6,9%/năm.

Về định hướng phát triển cho năm 2024 và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh khẳng định Quảng Ngãi vẫn tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Đây thực sự là cơ hội để tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này, nhất là sau khi thu hút các dự án đầu tư chất lượng vào KKT Dung Quất và các KCN tỉnh. Hiện tại, Quảng Ngãi đang tập trung lập và phê duyệt 11 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 làm cơ sở phân định vùng để thu hút đầu tư. Chiến lược phát triển này mới chỉ bắt đầu nên trước mắt chưa phát sinh nhu cầu vay vốn, nhưng sang năm 2024 chắc chắn nhu cầu sẽ tăng cao.

 

Thời điểm vàng để vay vốn

Hoạt động sản xuất công nghiệp, dịch vụ, thương mại của Quảng Ngãi trong 9 tháng qua đã tăng hơn so với dự báo trước đó. Đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, với ước tăng khoảng 1%, trong khi đó theo dự báo là tăng trưởng âm 14,3%. Một số sản phẩm chủ lực có sản lượng tăng như sắt thép tăng 8,3%; may mặc tăng 9,2%; sợi tăng 18%; bia các loại tăng 37%; bánh kẹo tăng 8%; dăm gỗ nguyên liệu giấy tăng 10,7%... Điều này cũng có nghĩa là sự sôi động trên thị trường trong nhiều lĩnh vực sẽ trở lại, nhất là thị trường tài chính, tín dụng.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất hiện sôi động, góp phần tăng trưởng tín dụng.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp tại KKT Dung Quất hiện sôi động, góp phần tăng trưởng tín dụng.

Đại diện Công ty CP Vinatex Đà Nẵng cho biết, thị trường xuất khẩu đầu năm 2023 chưa thực sự hồi phục, nên DN cũng do dự trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, đơn hàng hiện đã gia tăng, DN đang nối lại quan hệ với ngân hàng để cấp tín dụng phục vụ sản xuất. Rất may là việc tiếp cận vốn lúc này thuận lợi, điều kiện vay không thay đổi, hạn mức tăng nhưng lãi suất lại giảm sâu. Đó chính là sự tiếp sức rất cần thiết để DN lấy lại thăng bằng sau bao năm sản xuất cầm chừng.

Tương tự, đại diện Công ty CP Thương mại Phú Trường (kinh doanh xăng, dầu) cho hay, sản xuất phục hồi, lượng hàng mỗi ngày bán ra thị trường tăng mạnh. Khi DN cần vốn để nhập hàng, ngân hàng sẵn sàng đáp ứng, với lãi suất vay thấp bằng cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận bán hàng vì thế tăng, giúp DN vượt qua khó khăn, từng bước ổn định hoạt động kinh doanh.

Chỉ còn 3 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2023, vì vậy, các ngân hàng đang tập trung mọi nguồn lực để tăng trưởng tín dụng. Hiện nay, Vietcombank Quảng Ngãi và BIDV Quảng Ngãi đang triển khai chương trình tín dụng “Cho vay để trả nợ vay”, với lãi suất chỉ từ 6 -6,9%/năm tùy theo chính sách của từng ngân hàng. Theo đó, khách hàng có thể vay vốn tại Vietcombank và BIDV để trả nợ các khoản vay tại ngân hàng khác. Số tiền vay tối đa 100% dư nợ gốc của của khoản vay tại ngân hàng đang vay. Thời gian vay lên tới 30 năm, ân hạn nợ gốc tới 24 tháng, giúp khách hàng linh động trong việc trả nợ.

Agribank Quảng Ngãi hiện đang triển khai chương trình cho vay ưu đãi lãi suất từ 1 - 2%/năm đối với 5 nhóm khách hàng gồm: Khách hàng hưởng lương từ ngân sách; khách hàng ngành y tế; doanh nghiệp vừa và nhỏ; xuất, nhập khẩu; lĩnh vực lâm, thủy sản. Các chương trình này kéo dài đến ngày 30/6/2024.

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, dự báo từ nay đến cuối năm lãi suất cho vay sẽ giảm, bởi hiện tại hầu hết các ngân hàng đều giảm dư nợ, không cho vay được. Vì vậy, muốn đẩy dư nợ ra bắt buộc phải hạ lãi suất. Đây là thời điểm vàng để các DN vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi đã 2 lần tổ chức hội nghị đối thoại ngân hàng - DN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN và chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện 5 chương trình mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số chương trình triển khai chưa hiệu quả.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đinh Văn Công cho biết, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đang chuẩn bị tổ chức sơ kết đánh giá hoạt động ngân hàng 9 tháng năm 2023, đánh giá lại các chương trình đã triển khai. Từ đó tìm ra các nút thắt, tháo gỡ cho DN, người dân trên địa bàn Quảng Ngãi nhằm tăng trưởng dư nợ, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với một số sở, ban, ngành, Hiệp hội DN tỉnh đi khảo sát một số DN, đặc biệt là DN gặp khó khăn để xúc tiến việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức đối thoại với DN khu vực miền Trung tại Đà Nẵng trong tháng 10/2023.

Bài, ảnh: H.HOA - T.NHỊ


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 10:44, 29/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.