Xử lý nợ xấu tại các ngân hàng

10:06, 11/07/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý, hạn chế nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.

Nỗ lực thu hồi nợ xấu

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tạo ra khung pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong xử lý nợ xấu.

Nợ xấu trong  lĩnh vực thủy sản đang ở mức cao.                                      
Nợ xấu trong  lĩnh vực thủy sản đang ở mức cao.                                      

Để hoàn thành nhiệm vụ giảm tỷ lệ nợ xấu dưới mức cho phép, nhất là thời điểm trong và sau dịch Covid-19, Vietcombank Quảng Ngãi đã xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết; triển khai kịp thời nhiều chính sách phù hợp với tình hình thực tế. Đơn vị đã chú trọng gia hạn nợ, giảm lãi suất cho vay để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng với biên độ giảm lãi từ 0,5 - 1,0%/năm. Vietcombank Quảng Ngãi vừa được Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tặng giấy khen vì có thành tích tiêu biểu về thu hồi nợ xấu ngoại bảng 6 tháng đầu năm 2023. 

Còn tại BIDV Quảng Ngãi, chi nhánh đã thành lập ban chỉ đạo xử lý, thu hồi nợ và tiến hành rà soát, phân tích, đánh giá nguyên nhân từng khoản nợ để có giải pháp thu hồi. Đối với những khoản cho vay có triển vọng, hiệu quả sẽ cơ cấu lại. Đối với khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi nhánh phối hợp với khách hàng để cơ cấu lại nợ, giãn thời hạn trả nợ để khách hàng giảm bớt khó khăn tài chính.

Khó khăn cần tháo gỡ 

Các chuyên gia tài chính cho rằng, trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế thế giới và khó khăn của nền kinh tế trong nước, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp đã suy giảm, nên tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu quá cao có thể lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn tới đổ vỡ.

Tính đến cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương - Chi nhánh Quảng Ngãi có nợ xấu chiếm tỷ trọng cao nhất với hơn 29% (hơn 356 tỷ đồng) so với tổng nợ xấu; Ngân hàng TMCP Đông Á - Chi nhánh Quảng Ngãi chiếm 9% (hơn 109 tỷ đồng)... Hiện Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương và Ngân hàng TMCP Đông Á - Chi nhánh Quảng Ngãi đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt.    

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Quảng Ngãi. 
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Quảng Ngãi. 

Theo các ngân hàng, việc thu hồi nợ xấu hiện gặp nhiều khó khăn, việc khởi kiện ra tòa và thi hành án để xử lý nợ kéo dài, chi phí đầu vào tăng cao. Công tác xử lý tài sản đảm bảo (đối với tàu cá - PV) còn chậm, khách hàng không hợp tác, chây ỳ dẫn đến nợ xấu khách hàng thuộc lĩnh vực kinh tế biển tiếp tục tăng. Đối với những tàu bán đấu giá thành công, số nợ thu về không bao nhiêu (khoảng 10 - 12% so với giá trị ban đầu). Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang trầm lắng nên việc xử lý tài sản đảm bảo là nhà, đất không thuận lợi. Có ngân hàng thông báo bán đấu giá tài sản nhiều lần trong thời gian dài nhưng vẫn chưa bán được, dẫn đến nợ tăng.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi Đinh Văn Công cho biết, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tại các ngân hàng nhằm chấn chỉnh và minh bạch hoạt động của các đơn vị. Tập trung giám sát việc chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng. Chỉ đạo sát sao các tổ chức tín dụng có nợ xấu cao, yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng phương án, kế hoạch xử lý nợ xấu, có giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động cấp tín dụng nói riêng.

Bài, ảnh: HỒNG HOA

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

     

     
 

Xuất bản lúc: 10:06, 11/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.