Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của ngành công thương

12:54, 07/07/2023
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 7/7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì hội nghị.
 
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị (ảnh: DDangcongssan.vn)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị (ảnh: Dangcongsan.vn)

Dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi có Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đức Huy. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp dẫn dắt tăng trưởng của cả nước, với giá trị tăng thêm 0,44% so với cùng kỳ năm 2022. Một số địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao đã thúc đẩy quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng. Kim ngạch xuất khẩu cơ bản giữ được đà tăng, với tổng kim ngạch đạt hơn 164 tỷ USD. Về nhập khẩu hàng hóa đã được kiểm soát tốt các nhóm hàng phục vụ sản xuất và mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống xã hội của doanh nghiệp, nhân dân…

Cụ thể, về sản xuất công nghiệp đã phục hồi 98,8% so với cùng kỳ năm 2022 (là thời điểm kinh tế bùng nổ sau quyết định kịp thời của Chính phủ mở cửa nền kinh tế vào 3/2022). Trong đó, có 48/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng.

Một số trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên tăng 4,1%; Quảng Ninh tăng 7,4%; Bắc Giang tăng 15,7%, Hải Phòng tăng 12,3%, TP. Hồ Chí Minh tăng 1,9%, Bình Dương tăng 2,6%; Đồng Nai tăng 3%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 13,2%; khai thác quặng kim loại tăng 11,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su, plastic tăng 7,2%; sản xuất thuốc lá tăng 6,7%; sản xuất đồ uống tăng 5,7%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,6%...

Về hoạt động xuất nhập khẩu, trong bối cảnh khó khăn chung của thương mại toàn cầu, cán cân thương mại đạt mức xuất siêu kỷ lục 12,25 tỷ USD (gấp gần 11 lần so với mức thặng dư 1,16 tỷ USD của cùng kỳ năm trước) góp phần ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô của nền kinh tế. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hóa cơ bản được kiểm soát tốt, kim ngạch nhập khẩu tăng chủ yếu là các nhóm hàng phục vụ sản xuất để XK và hàng hóa thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2%.

Về công tác thị trường trong nước cũng phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng cao (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm tăng 10,9% so với cùng kỳ), đáp ứng cơ bản hàng hóa thiết yếu cho người dân, tiếp tục là điểm sáng hỗ trợ quá trình phục hồi tổng cầu và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa suy giảm…

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi.

Hội nghị đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành công thương. Đó là, tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và an sinh xã hội trong tình hình mới; tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác và phát triển thị trường trong nước…

Tin, ảnh: VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 12:54, 07/07/2023

Ý kiến bạn đọc


.