(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình Phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (chương trình). Trong đó, tập trung đầu tư hạ tầng phục vụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Bốc dỡ hải sản từ tàu xuống cảng cá kết hợp neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) sau hơn nửa tháng vươn khơi, ngư dân Huỳnh Phương, ở phường Phổ Quang (TX.Đức Phổ) phấn khởi chia sẻ, hơn 1 năm qua, tôi luôn cho tàu cập cảng Tịnh Hòa. Cảng có nhà phân loại cá được đầu tư khang trang, có mương thu gom nước thải dọc bến cập tàu. Nhờ đó, việc bốc dỡ hải sản của ngư dân thuận tiện, vệ sinh môi trường tại cảng đảm bảo hơn trước.
Thời gian gần đây, cảng cá kết hợp neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thu hút nhiều tàu thuyền của ngư dân các tỉnh về neo trú, bán hải sản. Ảnh: Ý THU |
Hiện nay, Ban Quản lý dự án Nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa (Sở NN&PTNT) đang phối hợp cùng UBND TP.Quảng Ngãi đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm có mặt bằng triển khai thực hiện việc nâng cấp, mở rộng cảng cá Tịnh Hòa, nâng năng lực neo trú từ 350 tàu lên 1.150 tàu.
Chương trình Phát triển thủy sản tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2030, giảm sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và sản lượng thủy sản chế biến công nghiệp. Theo đó, sản lượng khai thác thủy sản đạt 260 nghìn tấn, giảm khoảng 1% so với năm 2020, sản lượng NTTS đạt 15 nghìn tấn (tăng gần gấp đôi so với năm 2020), sản lượng thủy sản chế biến công nghiệp đạt 23 nghìn tấn (tăng hơn gấp đôi so với năm 2020). Giá trị sản xuất thủy sản năm 2030 phấn đấu đạt 9.056 tỷ đồng, tăng 2.446 tỷ đồng so với năm 2020. |
Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa Phan Quốc Cường, dự án này được Bộ NN&PTNT phê duyệt với tổng mức đầu tư 460 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 400 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 60 tỷ đồng. Công tác thiết kế bản vẽ thi công và bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư đang được đẩy nhanh thực hiện, nhằm đảm bảo triển khai dự án theo đúng tiến độ đề ra, sớm đưa công trình đi vào vận hành, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của ngư dân. Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 30/9/2023, dự án hoàn thành thiết kế bản vẽ thi công, rà phá bom mìn, vật nổ.
Quảng Ngãi là tỉnh có số lượng tàu cá nhiều thứ 2 cả nước, với hơn 4.286 tàu có chiều dài từ 6m trở lên, nhưng các cảng neo trú, cảng cá trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 1/3 tàu thuyền. Vì vậy, công trình nâng cấp, mở rộng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp cảng cá Tịnh Hòa được xem là công trình trọng điểm của tỉnh trong lĩnh vực thủy sản, giải quyết thêm chỗ neo đậu cho 800 tàu cá công suất lớn.
Diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Ý THU |
Cùng với đó, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Đê chắn cát, giảm sóng và nạo vét thông luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cảng cá Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ). Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 250 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh, với mục tiêu chỉnh trị toàn diện cửa biển Sa Huỳnh, đảm bảo luồng lạch cho tàu thuyền ra vào cảng và tạo khu vực đủ rộng làm nơi neo đậu cho 500 tàu cá có công suất đến 400CV. Bởi lâu nay, luồng lạch ra vào cảng cá Sa Huỳnh bị bồi lấp nặng, ảnh hưởng lớn đến việc đưa thuyền ra vào cảng neo đậu, tránh trú bão.
Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình đề ra nhiều dự án đầu tư công nhằm phát triển đồng bộ về hạ tầng ở lĩnh vực khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá và nuôi trồng thủy sản (NTTS). Trong đó, nhu cầu vốn thực hiện các dự án hạ tầng trong lĩnh vực khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá 1.192 tỷ đồng, lĩnh vực NTTS 355 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chỉ mới có 3 dự án liên quan đến đầu tư hạ tầng ở lĩnh vực khai thác, dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng vốn 742 tỷ đồng được triển khai thực hiện. Còn ở lĩnh vực NTTS, tất cả các dự án chưa có trong kế hoạch trung hạn và chưa triển khai.
Từ năm 2021 đến nay, sản lượng hải sản khai thác mỗi năm của ngư dân trên địa bàn tỉnh luôn vượt 260 nghìn tấn. Ảnh: Ý THU |
Trong khi đó, sản lượng khai thác thủy sản hằng năm của ngư dân trên địa bàn tỉnh từ năm 2021 đến nay luôn vượt mục tiêu mà chương trình đề ra (260 nghìn tấn/năm). Còn ở lĩnh vực NTTS, sản lượng NTTS giảm dần theo từng năm. Trong đó, sản lượng tôm nuôi năm 2022, giảm 3% so với năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng tôm nuôi tiếp tục giảm 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi tôm, ốc hương, cá chẽm 6 tháng đầu năm 2023 cũng giảm 1,5% so với cùng kỳ.
“Những năm qua, tình hình NTTS của người dân gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân là bởi môi trường nước ngày càng ô nhiễm, thời tiết diễn biến ngày càng cực đoan, khó lường. Vì vậy, người dân rất cần được trợ lực, đầu tư về hạ tầng, chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện môi trường nước vùng nuôi. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương có hạn, trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng vào các vùng NTTS đòi hỏi chi phí lớn, nên dù người dân phát triển nghề NTTS từ sớm và mong muốn được đầu tư hạ tầng vùng nuôi kiên cố, bài bản, nhưng địa phương không đủ nguồn lực thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, hạ tầng các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền trên địa bàn tỉnh chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của ngư dân. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh tập trung nâng cấp hạ tầng cảng cá để phấn đấu đáp ứng từ 80 - 90% nhu cầu neo đậu tàu thuyền của ngư dân. Từ đó, thu hút ngư dân đưa tàu về tỉnh bán hải sản, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biển, đem lại nguồn thu, tạo việc làm cho người dân trong tỉnh.
Chưa có hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, nên người nuôi tôm ở xã Đức Minh (Mộ Đức) xả nước thải từ hồ tôm ra bãi biển Minh Tân Bắc. Ảnh: Ý THU |
Để ngành thủy sản phát triển bền vững, Nhà nước cần tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, từ cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền đến vùng NTTS tập trung. Cùng với đó, cần chú trọng đầu tư hạ tầng hiện đại phục vụ lĩnh vực chế biến thủy sản và đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm thủy sản chế biến đặc trưng của tỉnh. Qua đó, gia tăng giá trị cho thủy sản, đóng góp cho xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong thời gian đến.
Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã đầu tư 35,9 tỷ đồng xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy, nâng cấp nhà phân loại cá tại các cảng cá. Trong đó, đầu tư hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải cảng cá Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ, cảng cá kết hợp neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, Tịnh Hòa. Xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy cho cảng cá Sa Huỳnh, Tịnh Kỳ, cảng cá kết hợp neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, Tịnh Hòa, Mỹ Á. Mở rộng cầu cảng tại cảng cá kết hợp neo đậu tàu thuyền Mỹ Á. Nâng cấp, mở rộng nhà phân loại cá tại cảng cá Sa Huỳnh và cảng cá kết hợp neo đậu tàu thuyền Tịnh Hòa. Hiện nay, các công trình đều đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo thuận lợi cho việc cập cảng, bốc dỡ, mua bán hải sản tại cảng. |
Ý THU - THÙY DUYÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: