Doanh nghiệp thủy sản gặp khó

09:03, 17/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nguồn nguyên liệu khan hiếm, chi phí sản xuất tăng cao, cùng với sự cạnh tranh đơn hàng do cung vượt cầu... khiến nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp khó. 
 
[links()]
 
Thiếu nguồn nguyên liệu
 
Được xem là cánh chim đầu đàn trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh, nhưng hiện nay Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú) gặp không ít khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất và tìm kiếm đơn hàng mới ở thị trường Châu Âu (EU). Nếu như năm 2022, DN này xuất khẩu trên 427 tấn thủy sản, trong đó thị trường EU trên 327 tấn thì hiện nay, đà tăng trưởng có dấu hiệu chững lại. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của DN như cá mó, cá dũa, cá gáy biển, cá bò phi lê bị thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Riêng nguồn cung cá mó, cá dũa nguyên liệu giảm đến 60% nên DN phải chật vật đi thu gom ngoài tỉnh. Điều này không chỉ làm gia tăng chi phí sản xuất mà còn khiến DN đối diện nhiều rủi ro do kéo dài thời gian hoàn thành đơn hàng cho đối tác.
 
Người lao động tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú trong ca làm việc.
Người lao động tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú trong ca làm việc.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú Đỗ Thị Sáu cho biết, DN gặp nhiều khó khăn vì 100% các lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU bị kiểm tra nghiêm ngặt, đặc biệt là vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác. Bởi lẽ, nhiều ngư dân chưa thực hiện tốt việc xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định. Điều này dẫn đến nghịch lý là sản lượng thủy sản khai thác dồi dào, nhưng DN lại thiếu hụt nguyên liệu, dẫn đến công suất hoạt động hiện chỉ đạt khoảng 70%.
 
Trong năm 2022, thủy sản khai thác trên địa bàn tỉnh đạt trên 268,8 nghìn tấn, nhưng chỉ có gần 5.400 tấn hải sản được Ban Quản lý các cảng cá tỉnh xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và 2.750 tấn được Chi cục Thủy sản tỉnh cấp chứng nhận thủy sản khai thác. Vì chưa gỡ được “thẻ vàng” thủy sản nên những tháng đầu năm 2023, đơn hàng nhập khẩu mới từ thị trường EU thấp hơn mọi năm, nhiều đơn hàng bị đối tác tạm hoãn. Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản và sắp đến là Mỹ cũng sẽ áp dụng hàng rào kỹ thuật về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với thủy sản Việt Nam, khiến DN khó càng thêm khó. Vì vậy, cùng với tập trung sản xuất các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường EU, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Hải Phú phải chuyển sang khai thác thêm nhiều thị trường xuất khẩu khác, trong đó có gia công sản phẩm cung ứng cho thị trường Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.
 
Tìm cách “giữ chân” lao động
 
Trong điều kiện thị trường xuất khẩu thu hẹp, đơn hàng khan hiếm vì cung vượt cầu, giá nguyên liệu tăng cao nên nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng, gắng gượng vượt qua giai đoạn khó khăn.
 
Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hoàng Rin (KCN Quảng Phú) Huỳnh Bạch Cát Quý cho biết, các mặt hàng chủ lực của công ty là tôm và các loại cá được chế biến với công suất 1.000 tấn/năm, hầu hết được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Philippines. Tuy nhiên, hiện nay không có nguyên liệu nên nhà máy chế biến tôm tạm dừng hoạt động. Còn nhà máy sơ chế và chế biến các loại cá thì hoạt động cầm chừng, vì thiếu nguồn nguyên liệu. Dù khó khăn chồng chất nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì một số hoạt động sản xuất để tạo việc làm và thu nhập nhằm "giữ chân" người lao động. 
 
Giám đốc Công ty TNHH Thanh An Nguyễn Tấn Lộc cũng cho biết, mặc dù gặp khó khăn nhưng công ty cố gắng duy trì hoạt động để "giữ chân" lực lượng lao động cơ bản. Nếu cắt giảm quá nhiều, đến khi thị trường phục hồi, đơn hàng dồi dào thì rất khó huy động đủ số lượng công nhân lành nghề trong thời gian ngắn. Do đó, cùng với phục vụ thị trường nội địa, công ty tập trung khai thác thị trường mới, đa dạng các mặt hàng hướng đến xuất khẩu, nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định sản xuất.
 
Theo đại diện các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy sản, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền ngư dân chấp hành Luật Thủy sản 2017 cũng như thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác IUU, nhất là việc thực hiện các thủ tục liên quan đến truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần cùng với cả nước gỡ được “thẻ vàng” thủy sản. Qua đó vừa tạo thuận lợi trong tiêu thụ thủy sản khai thác, vừa giúp DN thu mua và dự trữ được nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
 
Cần được tiếp sức
 
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thủy sản mong muốn các ngân hàng thương mại hỗ trợ giảm lãi suất, tăng hoặc giữ hạn mức tín dụng, giãn nợ và không hạ bậc tín dụng, nhằm giúp DN có điều kiện thanh toán các khoản nợ đến hạn, xử lý hàng tồn kho. Các DN cũng kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ DN tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mở rộng quy mô sản xuất; trang bị máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến, bảo quản. Qua đó giúp DN chủ động nguồn nguyên liệu, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhằm đón đầu cơ hội khi thị trường xuất khẩu thủy sản “ấm” lại, nhất là các thị trường xuất khẩu lớn.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.