Ba Tơ: Khai thác lợi thế để có nhiều sản phẩm OCOP

09:31, 08/06/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là địa phương có nhiều lợi thế, nhưng đến nay huyện Ba Tơ mới có 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trước thực trạng đó, huyện đang nỗ lực hướng dẫn người dân tận dụng tiềm năng sẵn có để phát triển thêm các sản phẩm OCOP, nhằm xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị cho sản phẩm địa phương.

Nhiều tiềm năng

Huyện Ba Tơ là địa phương có nhiều sản phẩm hàng hóa mang đặc trưng về văn hóa của địa phương, như thổ cẩm Làng Teng, rượu cần Hrê... Cùng với đó, nhiều sản phẩm nông nghiệp, lâm sản tại địa phương được thị trường ưa chuộng như cây mây nước, thịt trâu, thịt heo ky...

Sản phẩm thổ cẩm của chị Phạm Thị Sung, ở xã Ba Thành (Ba Tơ) đang đăng ký công nhận OCOP. Ảnh: PV
Sản phẩm thổ cẩm của chị Phạm Thị Sung, ở xã Ba Thành (Ba Tơ) đang đăng ký công nhận OCOP. Ảnh: PV

Bên cạnh đó, Ba Tơ còn là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, với nhiều di tích lịch sử và cảnh sắc thiên nhiên độc đáo. Đặc biệt, có 11 địa điểm gắn với cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ cách đây 78 năm, gồm: Khúc sông Liên (thị trấn Ba Tơ), Bến Buôn (Ba Thành), Chiến khu núi Cao Muôn, Bãi hang Én (Ba Vinh)... đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra, những địa danh như thác Lũng Ồ, thảo nguyên Bùi Hui, hồ Tôn Dung... với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, luôn là nơi thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và sản phẩm phù hợp để xây dựng sản phẩm OCOP, tuy nhiên đến nay, trong số 124 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, huyện Ba Tơ mới chỉ có 1 sản phẩm là rượu cần Hrê. Đây là sản phẩm do một hộ kinh doanh tại thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) là anh Phạm Xuân Sang đứng ra liên kết với các hộ dân địa phương thực hiện.

Nỗ lực phát triển sản phẩm

Tại xã Ba Liên (Ba Tơ), bình quân mỗi năm, người dân địa phương khai thác từ 70 - 80 tấn cây mây nước dưới tán rừng. Sau khi khai thác, người dân chủ yếu bán dạng thô cho các đại lý chuyên thu gom để bán cho các cơ sở làm nội thất, chế tác đồ thủ công mỹ nghệ. Giá bán của sản phẩm vì vậy ở mức thấp, vì chưa nâng cao được giá trị.

Bên cạnh đó, xã Ba Liên còn có nguồn cá nước ngọt phong phú, với trữ lượng lớn, do người dân nuôi và khai thác tại hồ chứa nước Núi Ngang. "Việc nuôi và khai thác cá nước ngọt ở lòng hồ Núi Ngang khá bài bản. Đó là ngay từ năm 2016, người dân địa phương đã xây dựng và phát triển được Tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt hồ chứa nước Núi Ngang. Đến thời điểm hiện tại, tổ có 45 thành viên, hằng năm khai thác, bán ra thị trường từ 80 - 90 tấn cá. Tuy nhiên, khi địa phương định hướng, tìm kiếm chủ thể đứng ra phát triển sản phẩm cá nước ngọt ở lòng hồ Núi Ngang thành sản phẩm OCOP, thì lại gặp nhiều khó khăn, khi các thành viên của tổ đều không mặn mà tham gia. Người dân vẫn còn giữ thói quen khai thác và bán cho thương lái, cho người dân địa phương như trước, chứ không muốn thay đổi, phát triển thêm để nâng cao giá trị cho sản phẩm", Phó Chủ tịch UBND xã Ba Liên Thới Xuân Sơn cho biết.

Định hướng phát triển cá nuôi ở lòng hồ Núi Ngang trở thành sản phẩm OCOP trong năm 2023, nên từ đầu năm đến nay, UBND xã Ba Liên tập trung hướng dẫn Hợp tác xã Nông nghiệp Ba Liên liên kết với Tổ hợp tác để chế biến cá mè nuôi ở hồ thành sản phẩm khô cá mè. Qua đó, sẽ giúp người dân nâng cao giá trị cho sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ hơn so với việc tiêu thụ cá tươi sống.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Tơ Nguyễn Thị Vân, năm 2021, 2022, địa phương đã xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời định hướng cho UBND từng xã, thị trấn cũng như các chủ thể sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủ công mỹ nghệ... để tham gia Chương trình OCOP. Tuy nhiên, dù nhiều chủ thể là hộ kinh doanh, hợp tác xã hoạt động khá hiệu quả, có các sản phẩm mang đặc trưng của địa phương như thổ cẩm, thịt heo thảo dược, thịt heo ky, thịt trâu gác bếp... nhưng lại ngại trong thực hiện các quy trình, thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP, nên không tham gia.

"Năm 2023, địa phương có kế hoạch phát triển các sản phẩm OCOP, gồm: Khô cá mè ở xã Ba Liên, thịt trâu gác bếp ở xã Ba Thành, 2 nhóm sản phẩm liên quan đến thổ cẩm là khăn quàng cổ, sổ tay và váy, khăn trải bàn ở xã Ba Thành, dầu phụng ở xã Ba Vì... Ngay từ đầu năm, huyện đã làm việc với 3 hợp tác xã, 3 hộ kinh doanh và các chủ thể này đều đã thống nhất cùng địa phương đăng ký, phát triển các sản phẩm này thành sản phẩm OCOP. Hiện  UBND các xã, thị trấn đang định hướng, đôn đốc các chủ thể phát triển sản phẩm và sớm hoàn thành các thủ tục đăng ký", bà Vân cho biết.


Ý THU


TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.