Quyết tâm duy trì và nâng cao Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

16:26, 12/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tỉnh Quảng Ngãi đạt 65,18 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2021.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi xoay quanh kết quả PCI tỉnh Quảng Ngãi năm 2022 và những nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong thời gian đến.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất cho Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, vào tháng 2/2023.				        		                    Ảnh: PV
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy Sản xuất thép dây cuộn chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất cho Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, vào tháng 2/2023. Ảnh: PV

PV: Đồng chí nhận xét như thế nào về kết quả PCI năm 2022 của Quảng Ngãi vừa được VCCI công bố?

Đồng chí Đặng Văn Minh: Chỉ số PCI do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số PCI được triển khai xây dựng và công bố từ năm 2005, là một bộ chỉ số hợp thành bởi 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền tỉnh; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Trong thời gian qua, các chỉ số thành phần đã có nhiều thay đổi, cải tiến nhằm đưa ra phương pháp đánh giá hiệu quả và phù hợp với thực tế hơn.

Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ hơn 11,8 nghìn doanh nghiệp (DN), trong đó có gần 10,6 nghìn DN tư nhân và 1.282 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam. Theo bảng xếp hạng PCI năm 2022, Quảng Ngãi đạt 65,18 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố trên cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2021 (45/63). Dù chưa nằm trong tốp cao của cả nước, nhưng việc PCI năm 2022 tăng 12 bậc so với năm 2021 đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của tỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sự ghi nhận của VCCI, cùng cộng đồng DN. Đặc biệt, chỉ số gia nhập thị trường tăng 0,61 điểm, tăng 12 bậc vươn lên đứng thứ nhất trong cả nước; chỉ số tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, chính sách hỗ trợ DN, đào tạo lao động có sự tăng lên đáng kể; riêng chỉ số tính minh bạch, chi phí về thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh ở mức trung bình so với cả nước. 

PV: Những kết quả nêu trên thể hiện điều gì đối với tỉnh, cũng như các sở, ban, ngành, chính quyền các địa phương, thưa đồng chí?

Đồng chí Đặng Văn Minh: Kết quả PCI của tỉnh năm 2022 như một “bức tranh” phản ánh tương đối toàn diện chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh của Quảng Ngãi trong năm qua. Trong cuộc đua quyết liệt của các tỉnh, thành phố để cải thiện PCI, tỉnh nào không nỗ lực vươn lên thì sẽ bị thụt lùi lại phía sau. Việc PCI Quảng Ngãi tăng 12 bậc so với năm 2021 cho thấy những cố gắng, nỗ lực của UBND tỉnh cũng như các sở, ban, ngành, địa phương thời gian qua đã phát huy hiệu quả. Tuy vậy, trên cơ sở kết quả bảng điểm và các chỉ số thành phần PCI năm 2022, các sở, ban, ngành và địa phương cũng cần rút ra những bài học kinh nghiệm và nghiêm túc soi rọi lại mình. Qua đó, phát huy điểm mạnh, khắc phục những hạn chế, yếu kém để góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian đến.

Trong các chỉ số thành phần PCI, chỉ số gia nhập thị trường, từ năm 2014 đến năm 2021 luôn đạt điểm cao nhất trong 10 chỉ số thành phần PCI. Riêng năm 2022 đạt 7,93 điểm, đứng nhất cả nước; điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đang khởi sắc và củng cố niềm tin của cộng đồng DN vào chính quyền.

Ngoài ra, chỉ số chính sách hỗ trợ DN cũng được cải thiện rõ rệt, tăng 27 bậc từ hạng 51 năm 2021 lên hạng 24 năm 2022. Đây là chỉ số mới được VCCI đưa ra trong năm 2021, thay thế cho chỉ số “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”, bổ sung nhiều chỉ tiêu mới nhằm bao quát, đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động, chương trình và chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa. Qua rà soát, nghiên cứu các chỉ tiêu thay đổi trong chỉ số này và tự nhìn nhận lại những điểm yếu trong năm 2021, năm 2022, UBND tỉnh đã triển khai chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của DN trên địa bàn nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN và nhà đầu tư trong sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng trong và ngoài khu, cụm công nghiệp. Hỗ trợ về năng lực kinh doanh, giá thuê mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp; thực hiện tốt các chương trình khởi sự DN; tổ chức triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2022  -  2025. Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả những giải pháp trong công tác cải thiện chính sách hỗ trợ của DN, chỉ số này đã có những chuyển biến tích cực và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

PV: Để nâng cao chỉ số PCI Quảng Ngãi trong năm 2023, cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh, nhiệm vụ đặt ra hiện nay là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đặng Văn Minh: Cả hệ thống chính trị của Quảng Ngãi tiếp tục nêu cao quyết tâm, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phấn đấu năm 2023 nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá, đứng thứ 20 - 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh (tại Quyết định số 69/QĐ-UBND ngày 18/1/2023). Để lọt vào nhóm các địa phương có chất lượng điều hành khá, PCI năm 2023 đứng thứ 20 - 30/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, UBND tỉnh đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với các chỉ số như: Gia nhập thị trường phấn đấu đạt từ 7,9 điểm trở lên; tiếp cận đất đai 7,43 điểm trở lên; tính minh bạch 6,02 điểm trở lên; chi phí thời gian 8,38 điểm trở lên; chi phí không chính thức 7,12 điểm trở lên; cạnh tranh bình đẳng 6,02 điểm trở lên; tính năng động của chính quyền tỉnh 6,75 điểm trở lên; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp 6,55 điểm trở lên; đào tạo lao động 5,91 điểm trở lên; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự 7,70 điểm trở lên.

Để đạt được điểm số nêu trên, UBND tỉnh đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và giao nhiệm vụ cho từng cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả để cải thiện các chỉ số đạt kết quả thấp và tiếp tục phát huy điểm mạnh ở những chỉ số đạt kết quả cao.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt gồm: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021  -  2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và quy hoạch chuyên ngành. Tạo điều kiện cho DN tiếp cận thông tin, tạo hành lang thu hút các nhà đầu tư, DN đầu tư vào tỉnh. Chỉ đạo giám sát, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tạo sự hài lòng của người dân và DN. Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.

Đặc biệt, triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, nhiệm vụ, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Tăng cường quản lý nhà nước đối với DN, dự án theo thẩm quyền, hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án được cấp phép. Tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý dự án chậm tiến độ. Nâng cao chất lượng phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết thủ tục hành chính và trả lời, giải quyết dứt điểm những kiến nghị của DN, góp phần củng cố niềm tin của DN vào hệ thống chính quyền.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

PHẠM DANH (thực hiện)


 


Ý kiến bạn đọc


.