Chế biến rau, quả còn nhiều điểm nghẽn

20:57, 11/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những điểm nghẽn của ngành chế biến rau, quả hiện nay cần được tháo gỡ, đó là quy mô sản xuất nhỏ, nguyên liệu chưa đáp ứng yêu cầu cả về sản lượng và chất lượng, tổn thất sau thu hoạch cao...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT) Đặng Tấn Thương lý giải, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; sản xuất rau quả mang tính mùa vụ; sản phẩm chưa đáp ứng các vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cũng như không ổn định về sản lượng và chất lượng. Đa số các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau, quả có quy mô nhỏ, kiểu “lấy công làm lời” nên chưa quan tâm đầu tư công nghệ, quản trị sản xuất và chế biến sâu...

Các sản phẩm chế biến từ nấm của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) được thị trường ưa chuộng nhưng do một số khó khăn nên hợp tác xã chưa mở rộng quy mô sản xuất.          ẢNH: THANH PHONG
Các sản phẩm chế biến từ nấm của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức) được thị trường ưa chuộng nhưng do một số khó khăn nên hợp tác xã chưa mở rộng quy mô sản xuất.          ẢNH: THANH PHONG

Tại Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận (Mộ Đức), dù đã làm chủ quy trình sản xuất với công suất 106 tấn nấm tươi các loại/năm,  nhưng có thời điểm HTX vẫn rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu. Bởi nấm là đối tượng mẫn cảm và đặc tính sinh trưởng phát triển phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, dẫn đến năng suất và sản lượng nấm không ổn định. Giám đốc HTX Sản xuất và Kinh doanh nấm Đức Nhuận Lê Giang Phong cho biết, trở ngại lớn nhất hiện nay là mặt bằng không đảm bảo, nên HTX không thể mở rộng quy mô đầu tư theo hướng cơ giới hóa, chuyên nghiệp hóa. Nguồn nguyên liệu tại chỗ chưa đáp ứng, trong khi đó thu gom bên ngoài thì lo ngại chưa kiểm soát được các tiêu chuẩn về ATTP. Vì vậy, dù sản phẩm chế biến từ nấm được người tiêu dùng đánh giá cao, thị trường tiêu thụ rộng, nhưng HTX vẫn chưa thể tăng công suất.

Trong khi đó, các sản phẩm như chuối già Nam Mỹ của Công ty CP Nông lâm nghiệp 24/3 Quảng Ngãi (sản lượng trên 1.600 tấn/năm); các loại trái cây được chứng nhận VietGAP (sản lượng trên 1.820 tấn/năm)... được thị trường đón nhận, nhưng hầu hết là xuất bán thô, chưa qua chế biến dẫn đến cạnh tranh thấp. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu cho biết, ngoài việc thiếu doanh nghiệp đầu tàu, lĩnh vực chế biến rau, quả còn gặp trở ngại lớn là vùng sản xuất (đất, nước) chưa đáp ứng các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dẫn đến sản phẩm chưa đạt tiêu chuẩn ATTP và truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư cải tạo vùng sản xuất và đầu tư công nghệ hiện đại nhằm thúc đẩy ngành chế biến rau, quả phát triển.

Phát triển ngành chế biến rau, quả an toàn, hiệu quả và bền vững

Theo Đề án phát triển ngành chế biến rau, quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030, mục tiêu đến năm 2030, ngành chế biến rau, quả phát triển hiệu quả, an toàn và bền vững. Tổn thất sau thu hoạch rau quả giảm bình quân trên 1%/năm; trên 50% cơ sở chế biến, bảo quản rau, quả xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; thu hút 3 - 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến rau, quả trên địa bàn tỉnh.

THANH PHONG 


 


Ý kiến bạn đọc


.