(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn đã thực hiện thành công mô hình “Nuôi ghép cá đối với cá dìa”. Mô hình đã hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản giảm rủi ro về dịch bệnh, cải thiện môi trường sinh thái vùng nuôi, nâng cao thu nhập.
[links()]
Mô hình được thực hiện với quy mô 2ha, ở thôn Thượng Hòa, xã Bình Đông (Bình Sơn). Tham gia mô hình có 10 hộ, mỗi hộ có ao nuôi diện tích từ 2.000 - 3.000m2, với 13 nghìn con cá đối và 2.000 con cá dìa giống được thả.
Người dân xã Bình Đông (Bình Sơn) thu hoạch cá đối, cá dìa. Ảnh: Đ.H |
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn Lê Đăng Khoa, xã Bình Đông là địa phương có nghề nuôi trồng thủy sản khá lâu, đối tượng nuôi chủ yếu hiện nay vẫn là tôm thẻ chân trắng. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế và có đầu ra ổn định. Tuy nhiên, những năm gần đây việc nuôi tôm của nông dân trở nên khó khăn do dịch bệnh thường xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là đối tượng tôm nuôi khá nhạy cảm với môi trường. Việc chăn nuôi một đối tượng suốt thời gian dài cũng làm cho môi trường sinh thái mất cân bằng. Do vậy, việc chuyển đổi đối tượng nuôi từ nuôi tôm sang nuôi cá là một trong những giải pháp chăn nuôi bền vững, trên cơ sở lựa chọn loại cá nuôi có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định như cá đối, cá dìa...
Qua mô hình cho thấy, cá đối, cá dìa phát triển tốt tại vùng nuôi thấp triều trên địa bàn xã Bình Đông, đặc biệt đối với những ao nuôi có điều kiện trao đổi nước tốt. Lợi nhuận mang lại từ mô hình từ 14 - 17 triệu đồng/hộ nuôi. “Trong thời gian đến, mô hình này sẽ được chúng tôi nhân rộng. Ngoài việc nuôi cá đối, cá dìa, thì vẫn có thể nuôi ghép thêm tôm, cua, vì cá đối, cá dìa là loài cá có đặc tính ăn mùn bả hữu cơ, ăn tảo nên giúp đáy ao sạch hơn, tảo trong ao không quá dày, môi trường sinh thái trong ao được cân bằng, giúp tôm, cua phát triển”, ông Khoa nói.
N.Đồng - N.Hương