(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (gọi tắt là LHH) đã kết nối, tập hợp đội ngũ chuyên gia, trí thức trong và ngoài tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chủ trương, cơ chế chính sách và những chương trình, quy hoạch, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Phóng viên Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Huỳnh Văn Tố xoay quanh nội dung này.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với UBND huyện Nghĩa Hành tổ chức Hội thảo khoa học Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành. Ảnh:TR.PHƯƠNG |
PV: Xin ông cho biết những kết quả trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội mà Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thực hiện trong thời gian qua?
Ông Huỳnh Văn Tố: Trong những năm qua, LHH đã thực hiện tốt chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chủ trương, cơ chế chính sách và những chương trình, quy hoạch, đề án, dự án (gọi tắt là đề án, dự án) trọng tâm, trọng điểm của tỉnh. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban ngành đánh giá cao. Từ năm 2017, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH. Theo đó, mỗi năm, LHH thực hiện khoảng 40 đề án, dự án. Đến nay, LHH đã thực hiện việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội hơn 250 đề án, dự án quan trọng theo yêu cầu hoặc đặt hàng của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh, các sở, ban, ngành, các hội đoàn thể chính trị xã hội, UBND huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, LHH đã tổ chức tọa đàm và góp ý nhiều dự thảo Luật cho Đoàn ĐBQH tỉnh; báo cáo kết quả tư vấn, phản biện đối với nhiều đề án, dự án lớn quan trọng cho lãnh đạo tỉnh xem xét trước khi quyết định, điển hình như: Dự thảo các báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, XX; dự thảo các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XIX, XX; dự thảo một số đề án và nghị quyết HĐND tỉnh; dự thảo nhiều cơ chế, chính sách của tỉnh; Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; các dự án quy mô lớn và quan trọng như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1, 2; Đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc; Nhà máy Sản xuất dây thép chất lượng cao Hòa Phát Dung Quất; Hệ thống xử lý nước thải, đường ống xả thải Nhà máy Bột- Giấy VNT-19; các dự án đầu tư lớn về giao thông, thủy lợi, thủy điện, xây dựng khu đô thị, khu du lịch...
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội hiện đang gặp những khó khăn, vướng mắc như thế nào, thưa ông?
Ông Huỳnh Văn Tố: Trong thực tiễn, việc triển khai hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH vẫn còn những khó khăn nhất định. Việc tổ chức tư vấn, phản biện đối với một số đề án, dự án đôi khi còn bị động, do một số cơ quan, đơn vị khi gửi đề án, dự án đến LHH yêu cầu trong thời gian dao động từ 5 - 7 ngày phải hoàn thành nên đòi hỏi LHH phải rất cố gắng, nỗ lực, gửi kịp thời cho các chuyên gia đọc, nghiên cứu, phân tích, dẫn đến có sự hạn chế về chất lượng tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Phần lớn các chuyên gia, trí thức trong tỉnh do bận nhiều công việc chuyên môn, nên thời gian dành để tham gia công tác này còn hạn chế; số lượng các nhà khoa học đầu ngành trong tỉnh tham gia chưa nhiều.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ, thù lao cho các nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện còn quá thấp nên không kích thích, thu hút được nhiều chuyên gia giỏi, nhất là chuyên gia giỏi đầu ngành ở trung ương. Hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý quy định việc đi thực địa để tiếp cận, cập nhật thông tin liên quan đến những vấn đề cần tư vấn, phản biện. Hơn nữa, nguồn nhân lực tại chỗ của cơ quan LHH quá ít dẫn đến bị động, chậm tiến độ trong một số trường hợp tư vấn, phản biện.
Đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày tại Hội thảo khoa học Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành. Ảnh: TR.PHƯƠNG |
PV: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong thời gian tới Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã đề ra những giải pháp nào?
Ông Huỳnh Văn Tố: Đầu tiên là phải xây dựng quy định cụ thể về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để tổ chức, triển khai thực hiện. Từ đầu năm 2017, LHH đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Danh mục chương trình, quy hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách quan trọng đầu tư phát triển hằng năm của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 cần sự tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH. Năm 2021, LHH tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các nhiệm vụ cần thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội của LHH, trong đó quy định các đề án, dự án cần phải thông qua LHH tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Bên cạnh đó, việc đảm bảo nguồn kinh phí và xây dựng đội ngũ chuyên gia, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội cũng đóng vai trò quan trọng.
Để tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với một chương trình, đề án, dự án, trước hết phải làm tốt công tác chuẩn bị. Sau khi tiếp nhận nhiệm vụ phải lập kế hoạch thực hiện và chọn lựa chuyên gia. Trên cơ sở chỉ đạo của Thường trực LHH, Ban Khoa học, Công nghệ và Tư vấn phản biện tổ chức nghiên cứu nhanh nội dung hồ sơ đề án, dự án để dự thảo kế hoạch thực hiện; phác thảo đề cương, nêu những vấn đề cần tập trung tư vấn, phản biện; đề xuất hình thức tư vấn, phản biện. Nếu dự án, đề án phức tạp thì triệu tập nhóm chuyên gia thường trực để cùng tham vấn các nội dung chính và đề xuất danh sách chuyên gia. Sau đó, triển khai công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội và tổ chức hội nghị dưới nhiều hình thức khác nhau. Bước cuối cùng là hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp và theo dõi việc tiếp thu của cơ quan, đơn vị đối với đề án, dự án được LHH tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
TRỊNH PHƯƠNG (thực hiện)
TIN, BÀI LIÊN QUAN: