Theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM), HS từ lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm: Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương và Lịch sử. Ngoài các môn bắt buộc, HS sẽ được lựa chọn 4 môn trong 9 môn học là: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc và Mỹ thuật. Ngoài ra, HS còn phải lựa chọn các cụm chuyên đề học tập tương ứng để bổ trợ cho các tổ hợp môn học lựa chọn.
Phụ huynh, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn tìm hiểu các tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập. |
Mặc dù ngành giáo dục quy định HS có thể thay đổi nguyện vọng sau khi kết thúc năm học lớp 10. Song, HS phải có cam kết tự học, bổ sung kiến thức cùng với sự hỗ trợ của giáo viên, sau đó, các em phải vượt qua bài kiểm tra. Việc thay đổi nguyện vọng đồng nghĩa với việc thời gian học môn học đó của các em ngắn hơn các bạn khác nên sẽ dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo kiến thức cũng như chất lượng giáo dục.
Có thể nói, được chọn môn học là một lợi thế rất lớn của HS theo Chương trình GDPTM bậc THPT. Tuy nhiên, để chọn được tổ hợp môn học phù hợp xuyên suốt trong 3 năm THPT và phù hợp với xét tuyển đại học vào trường mà mình mong muốn là không hề dễ dàng với nhiều phụ huynh, HS. "Nhiều phụ huynh băn khoăn những tổ hợp môn lựa chọn trường đưa ra sẽ xét tuyển vào tổ hợp nào của các trường đại học. Bởi vì, hiện nhiều trường đại học chưa đưa ra đề án tuyển sinh từ năm 2025", Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Trần Anh Tiến cho biết.
Tăng cường định hướng cho học sinh
Cuối tuần qua, Trường THPT Trần Quốc Tuấn đã tổ chức tư vấn, định hướng cho phụ huynh, HS việc chọn tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập. Chị Nguyễn Thị Thu Mỹ, phường Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) có con vào lớp 10, năm học 2024 - 2025, Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho hay, vợ chồng tôi có định hướng cho con lựa chọn tổ hợp môn học Toán - Vật lý - Hóa học để xét tuyển vào đại học sau này. Song, tôi còn phân vân vì nhóm tổ hợp môn lựa chọn đầu tiên có thêm môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, nhóm tổ hợp môn lựa chọn thứ 2 có thêm môn Sinh học. Vì vậy, sau khi nghe lãnh đạo Trường THPT Trần Quốc Tuấn tư vấn, vợ chồng tôi sẽ thảo luận lại xem con thích học tổ hợp môn nào hơn để có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, sở trường của cháu.
Em Trương Đỗ Anh Khoa cùng mẹ tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký tổ hợp lựa chọn tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn. |
Em Trương Đỗ Anh Khoa, ở phường Chánh Lộ (TP.Quảng Ngãi), vừa trúng tuyển vào lớp 10, Trường THPT Trần Quốc Tuấn cùng mẹ tham gia buổi tư vấn, định hướng để tìm hiểu kỹ lưỡng những lưu ý trước khi đưa ra quyết định lựa chọn tổ hợp môn học nào. Em Khoa bày tỏ, em mong muốn trở thành giáo viên Toán. Vì vậy, em đã sớm chọn cho mình tổ hợp môn Toán - Vật lý - Hóa học. Trường hợp không đảm bảo điểm số để xét tuyển vào ngành sư phạm Toán thì trên cơ sở tổ hợp môn lựa chọn, em có thể xét tuyển khối ngành kỹ thuật và nhiều ngành học khác.
Để HS và phụ huynh hiểu rõ hơn về việc chọn tổ hợp môn học và chuyên đề học tập, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã và đang tổ chức các đợt tư vấn việc đăng ký môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập. Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Lê Văn Trung, nhà trường đã sớm tổ chức tư vấn việc đăng ký môn học tự chọn, cụm chuyên đề học tập cho HS lớp 10. Cụ thể, mỗi môn chuyên có 2 tổ hợp môn học lựa chọn. Tổ hợp nào có số lượng HS đăng ký đông hơn thì trường sẽ đưa vào giảng dạy. Ngoài ra, mỗi tổ hợp môn học lựa chọn sẽ có chuyên đề học tập tương ứng để bổ trợ cho tổ hợp môn học lựa chọn đó.
Sau 2 năm thực hiện Chương trình GDPTM đối với bậc THPT, các trường có thêm kinh nghiệm trong việc xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn. Trung bình, mỗi trường có từ 4 - 6 tổ hợp môn học lựa chọn được xây dựng dựa trên việc bảo đảm số tiết cho giáo viên, phù hợp với cơ sở vật chất, biên chế của cơ sở giáo dục. Việc các trường chỉ xây dựng giới hạn các tổ hợp môn cho HS lựa chọn không thể đáp ứng được nguyện vọng thực tế của 100% HS, nhưng phù hợp với mong muốn của HS, nhà trường và đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Theo quy định mới, từ năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc học tốt môn tiếng Anh sẽ mang đến nhiều thuận lợi cho các em trong giao tiếp và phát triển nghề nghiệp tương lai. Đặc biệt, những năm gần đây, các trường đại học có xu hướng tuyển sinh bằng phương thức kết hợp chứng chỉ tiếng anh IELTS, TOEFL, chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam... |
Hiệu trưởng Trường THPT số 2 Mộ Đức (Mộ Đức) Lâm Tín cho biết, dựa trên hướng dẫn của Sở GD&ĐT và điều kiện thực tế, trường xây dựng tổ hợp môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho HS lớp 10. Theo đó, năm nay, trường có 6 tổ hợp môn học lựa chọn. Nhà trường đã thông báo HS đến trường nộp hồ sơ và tư vấn, định hướng cho từng HS. Sau đó, nhà trường phát phiếu đăng ký để HS thảo luận với phụ huynh trước khi quyết định. “Các em cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để chọn môn học phù hợp phục vụ cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cũng như việc xét tuyển đại học nhằm theo đuổi đam mê và phù hợp với năng lực bản thân”, thầy giáo Lâm Tín chia sẻ.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: