Học bán trú khó khăn
Những ngày đầu năm, Đoàn công tác của Báo Quảng Ngãi, Công ty TNHH ILA Việt Nam cùng chính quyền địa phương và ngành GD&ĐT huyện Trà Bồng tiến hành khảo sát tại một số trường học trên địa bàn huyện để hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất (CSVC). Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học số 2 Hương Trà Ngô Thị Hoa chia sẻ, trường vừa được đầu tư xây mới dãy phòng học 2 tầng khang trang. Song, để đảm bảo quỹ đất phục vụ cho việc xây dựng dãy phòng học mới, nhà trường phải tạm thời dỡ bỏ nhà vệ sinh cũ kỹ. Vì vậy, từ đầu năm học đến nay, học sinh (HS) không có nhà vệ sinh.
Trường PTDTBT Tiểu học số 2 Hương Trà có 241 HS, đều là đồng bào dân tộc Cor. Nhiều em ở thôn Trà Vân cách trường khoảng 5 - 6km đường dốc. Học sinh phải đi bộ mất khoảng 1,5 giờ mới đến được trường. “Mùa đông, nhiệt độ ở đây chỉ 8 - 9 độ C nên nhà trường đành cho các em ở lại trường trong dãy phòng học cũ. Song, dãy phòng này đã được xây dựng hàng chục năm nên xuống cấp trầm trọng, tường đã nứt, hở, cửa sắt bị gỉ, kính vỡ... không đảm bảo an toàn cho HS. Vì vậy, nhà trường rất mong có nhà vệ sinh và nhà ở bán trú để đảm bảo an toàn cho HS”, cô Hoa nói.
Khu nhà ở cho học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học số 2 Hương Trà (Trà Bồng) được tận dụng từ dãy phòng học cũ đã xuống cấp. |
Đoàn khảo sát tiếp tục đến tìm hiểu tại Trường Mẫu giáo Trà Tân (Trà Bồng). Trường có 1 điểm chính và 2 điểm lẻ, với tổng số 189 HS, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cor và Hrê. Cơ sở chính hiện tại diện tích nhỏ hẹp, với 4 phòng học dành cho 103 cháu. Trường phải tận dụng nhà xe làm khu hoạt động vui chơi, trải nghiệm cho trẻ. Còn nhà ăn thì tạm bợ. Sau khi nấu ăn tại cơ sở chính cho HS, các cô còn vận chuyển đồ ăn xuống điểm trường Trường Giang 2 cho HS.
Điểm trường lẻ thứ 2 ở thôn Trà Ót, cách điểm trường chính khoảng 10km. Trong đó, nhiều HS có nhà ở giáp với xã Hương Trà - cách trường gần 20km đường núi. “Điểm trường thôn Trà Ót có 1 phòng học, với 15 HS học lớp ghép. Điều kiện CSVC còn nhiều khó khăn, chưa có sân chơi và tường rào cổng ngõ. Song, HS ở xa nên trường không thể xóa điểm trường này. Hằng năm, nhà trường luân phiên phân công 1 GV phụ trách giảng dạy. Mỗi ngày, phụ huynh luân phiên đến trường nấu ăn cho trẻ”, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Trà Tân Nguyễn Thị Mận bộc bạch.
Cô Mận cho biết, cuối năm 2023, trường tiếp nhận CSVC của Trường Tiểu học và THCS Trà Tân. Dự kiến, trường sẽ được sửa chữa và đưa vào sử dụng đầu năm học 2024 - 2025. Sau khi đưa vào sử dụng, trường sẽ nhập số HS của cơ sở chính và điểm trường Trường Giang 2 về học chung. “Phụ huynh chủ yếu đi làm rẫy nên nhu cầu cho các con ở bán trú rất cao. Tuy nhiên, cơ sở mới được tiếp nhận chưa có nhà bếp. Vì vậy, trường mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà bếp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho HS. Việc có khu nhà bếp sẽ giúp trường thuận lợi trong việc tổ chức bữa ăn bán trú cho HS, khắc phục tình trạng HS đi học giã gạo, bỏ học giữa chừng”, cô Mận bày tỏ.
Cần giải pháp căn cơ
Để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới, ngành GD&ĐT cùng các địa phương đã chú trọng đầu tư CSVC đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, tỉnh ta đã triển khai thực hiện nhiều chính sách cho giáo dục miền núi. Trong đó, tỉnh ta tập trung thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Các chương trình MTQG góp phần quan trọng trong việc đầu tư CSVC, trang thiết bị cho các trường phổ thông có HS bán trú; nâng cấp cải tạo khối phòng học, công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho HS và phòng công vụ cho GV; nâng cấp, cải tạo CSVC phòng lớp học. Nâng cao chất lượng dạy và học đối với các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường PTDTBT, trường có HS bán trú; thực hiện xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây Nguyễn Minh Anh, từ năm 2020 đến nay, địa phương đã xóa trên 30 điểm trường lẻ. Phần lớn HS được chuyển về các điểm chính ở trung tâm xã nên điều kiện học tập, ăn, ở được nâng cao. Tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm đáng kể. Số HS đi học giã gạo, bỏ học giữa chừng dần được khắc phục. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ngày một nâng lên.
Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Sơn Tây có 19 trường từ cấp mầm non đến THCS, với gần 6.000 HS và 1 trường THPT. Đến nay, các trường đảm bảo số phòng học 2 buổi/ngày. Thiết bị dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới tương đối đảm bảo. Tất cả trường học đều có nhà vệ sinh. Đặc biệt, những năm qua, các trường học trên địa bàn huyện Sơn Tây đã sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp để mua và cấp sách giáo khoa mới cho HS.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Anh, sau một thời gian công tác, hầu hết GV có xu hướng xin chuyển về đồng bằng giảng dạy, điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục miền núi. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở công vụ là một trong những giải pháp quan trọng để “giữ chân” GV miền núi. Thực tế là rất nhiều GV phải thuê nhà dân để ở vì không có nhà công vụ hoặc các trường phải tận dụng, cải tạo phòng học làm nhà ở công vụ cho GV nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Hiện nay, nhiều trường học tại các huyện miền núi có tổ chức bán trú cho HS. Do đó, xây dựng bếp ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện tốt các mục tiêu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non và HS phổ thông, hạn chế tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng là điều cần thiết.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: