Những phụ nữ Hrê làm kinh tế giỏi

08:36, 10/10/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng bằng sự cần cù, chịu khó mà chị Đinh Thị Bĩa, ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành) và chị Phạm Thị Phố, ở thôn Hóc Đô, xã Ba Vinh (Ba Tơ) đã vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Họ đã góp phần truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ địa phương trong hành trình vượt khó để tạo thu nhập cho bản thân, gia đình.

Chị Đinh Thị Bĩa, ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), chăm sóc đàn heo của gia đình.
Chị Đinh Thị Bĩa, ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), chăm sóc đàn heo của gia đình.
Chủ tịch Hội LHPN xã Hành Tín Tây Đào Thị Kim Oanh cho biết, chị Đinh Thị Bĩa là một trong những phụ nữ người đồng bào Hrê trẻ tuổi, năng động và làm kinh tế giỏi. Từ tấm gương của chị Bĩa mà nhiều phụ nữ trong thôn có thêm động lực để vươn lên, thoát khỏi đói nghèo. Chị Bĩa cũng nhiệt tình hướng dẫn chị em hội viên kỹ thuật, cách thức chăn nuôi hiệu quả. 

Dù mới 33 tuổi, nhưng chị Đinh Thị Bĩa, ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây, đã có nhà cửa, cơ ngơi mà nhiều người dân trong thôn ao ước. Chị Bĩa bộc bạch, vợ chồng tôi kết hôn, được cha mẹ cho mấy sào đất để sản xuất nông nghiệp, còn nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi thì đều do hai vợ chồng nỗ lực lao động mà có.

Những ngày đầu do chưa có nhiều vốn liếng, vợ chồng tôi nuôi chỉ vài con bò, mấy con heo, sau mỗi năm bán có tiền thì tiếp tục đầu tư chuồng trại, mua thêm con giống. Thay vì chọn nuôi trâu như nhiều hộ dân khác, thì tôi nuôi bò, vì bò cho hiệu quả kinh tế hơn nuôi trâu. Tổng diện tích chuồng trại chăn nuôi của gia đình tôi hiện rộng hơn 100m2. 

Hiện nay gia đình chị Bĩa chăn nuôi 7 con bò và 3 con heo nái. Trung bình mỗi năm, chị Bĩa xuất bán gần 100 con heo thịt. Tận dụng diện tích đất rộng, chị Bĩa trồng hơn 3 sào cỏ để chăn nuôi bò. Trong quá trình chăn nuôi, chị Bĩa luôn chú trọng công tác phòng dịch, tìm hiểu các loại vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi. Nhờ vậy, đàn bò, heo ít bị dịch bệnh, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao. 

Không chỉ là người phụ nữ năng động, cần cù trong lao động mà chị Bĩa là người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình. Vợ chồng chị Bĩa có hai người con gái và cả hai con đều chăm ngoan, học giỏi. Dù sinh con một bề là gái, nhưng vợ chồng chị Bĩa thực hiện kế hoạch hóa gia đình và tập trung phát triển kinh tế, động viên các con nỗ lực trong học tập, xây dựng gia đình tiến bộ, no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. 

Chị Đinh Thị Bĩa, ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), chăm sóc đàn heo của gia đình.
Chị Đinh Thị Bĩa, ở thôn Trũng Kè 2, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành), chăm sóc đàn heo của gia đình.

Đến xã Ba Vinh (Ba Tơ), hỏi về chị Phạm Thị Phố (43 tuổi), ở thôn Hóc Đô, thì hầu như người dân ai cũng biết. Bởi chị Phố là người chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, triển khai những mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao. Trước đây, ngoài trồng keo, vợ chồng chị chăn nuôi heo, nấu rượu nhưng đến năm 2020, thì chuyển hướng sang chăn nuôi vịt với quy mô lớn. Chị Phố chia sẻ, chăn nuôi heo, nấu rượu cũng cho lợi nhuận khá tốt, nhưng sau một thời gian thì chị em phụ nữ học hỏi, làm theo nhiều, nên tôi quyết định chuyển hướng, thực hiện mô hình kinh tế khác. Tận dụng con suối nhỏ trước nhà, tôi chuyển sang nuôi vịt. Đây là vật nuôi ít dịch bệnh và thời gian chăm sóc ngắn nên nhanh lấy lại vốn. So với nuôi heo thì nuôi vịt ít rủi ro hơn.

Trung bình mỗi năm, chị Phố nuôi 3 lứa vịt, mỗi lứa từ 300 - 400 con. Ngoài chăn nuôi, vợ chồng chị còn làm dịch vụ cho thuê trại, bàn ghế đám tiệc. Từ đó, vợ chồng chị có nguồn thu nhập ổn định, với lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. “Dù lao động có vất vả nhưng không lo sợ đói nghèo nữa, cuộc sống gia đình đầy đủ, sung túc hơn, các con cũng có điều kiện học tập tốt”, chị Phố tâm sự.

Bài, ảnh: KHẢI NAM

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:36, 10/10/2024

Ý kiến bạn đọc


.