(Báo Quảng Ngãi)- Hoạt động ở xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Sơn Tây, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ (NN&DV) Sơn Liên, ở xã Sơn Liên, đã từng bước khẳng định được vai trò “bà đỡ” của mình đối với nông dân. Bằng nhiều cách làm năng động, HTX không chỉ giúp nhiều nông dân địa phương thay đổi tập quán sản xuất, mà còn kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Bước sang năm thứ 4 kể từ khi liên kết với HTX NN&DV Sơn Liên để trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Đinh Văn Thiếu, ở thôn Tang Tong chia sẻ, ổi tôi trồng trên đất gò đồi, nhờ HTX mà được tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh. Có những thời điểm, tôi thu hoạch hơn 2 tấn ổi/tháng, nhưng vẫn không đủ để cung cấp cho thị trường. Đây là điều mà trước kia tôi chưa từng nghĩ đến.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Sơn Liên Phạm Thị Trầm xuống tận vườn hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc ổi. |
Là 1 trong 3 hộ dân tại thôn Tang Tong liên kết với HTX NN&DV Sơn Liên để trồng và tiêu thụ ổi, năm 2020, anh Thiếu và các hộ dân còn lại được HTX đầu tư 135 triệu đồng để thực hiện hệ thống tưới nước tiết kiệm. Từ sự hỗ trợ này, HTX đã giúp các hộ dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó, từng bước thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, phụ thuộc vào nước mưa như lâu nay của các hộ dân.
Đứng chân ở vùng đất khó, HTX NN&DV Sơn Liên không chỉ liên kết với nông dân để phát triển mô hình trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 4ha, mà còn trở thành “bà đỡ”, định hướng, hỗ trợ nông dân phát triển mô hình trồng dứa, mít, chuối mốc, bưởi da xanh, mắc ca. Cùng với đó, các nhóm hộ nông dân liên kết với HTX để phát triển mô hình chăn nuôi heo rừng lai và bò. Dù mới đi vào hoạt động từ tháng 1/2020, nhưng đến nay, HTX NN&DV Sơn Liên đã liên kết trồng trọt, chăn nuôi với gần 70 hộ dân địa phương (chiếm gần 18% số hộ dân toàn xã).
"Việc HTX linh hoạt hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đặc biệt là cam kết bao tiêu đầu ra đã khuyến khích nông dân tham gia sản xuất, đồng hành cùng HTX”. Giám đốc HTX NN&DV Sơn Liên PHẠM THỊ TRẦM |
Theo Giám đốc HTX NN&DV Sơn Liên Phạm Thị Trầm, để thu hút nông dân liên kết, hợp tác cùng HTX và mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, HTX đưa ra nhiều phương án hỗ trợ để người dân lựa chọn. Trong đó, có 2 phương án được mọi người chọn phổ biến là: Nông dân bỏ vốn đầu tư, HTX chỉ hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm; nông dân và HTX cùng bỏ vốn đầu tư, sau đó HTX bao tiêu đầu ra và lợi nhuận được chia theo tỷ lệ mà đôi bên đã góp vốn. “Việc HTX linh hoạt hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đặc biệt là cam kết bao tiêu đầu ra đã khuyến khích nông dân tham gia sản xuất, đồng hành cùng HTX. Đường sá xa xôi, cách trở, người dân thì sản xuất với quy mô nhỏ, nếu mỗi hộ dân tự vận chuyển nông sản mà mình làm ra xuống trung tâm huyện, hoặc các huyện khác để tiêu thụ thì người dân lỗ vốn”, bà Trầm phân tích.
Không chỉ liên kết với nông dân để phát triển trồng trọt, chăn nuôi và bán sản phẩm dạng thô ra thị trường, HTX NN&DV Sơn Liên còn đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản, gồm măng khô, mắc ca sấy, chuối sấy dẻo, chuối rừng khô. Cùng với đó, để mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm, vào tháng 6/2023, HTX mở một cửa hàng chuyên bán nông sản của miền núi Sơn Tây tại TP.Quảng Ngãi mang tên "SonTay Mart". Kể từ khi có cửa hàng, hoạt động kết nối và tiêu thụ các nông sản cho nông dân trên địa bàn xã ngày càng được đẩy mạnh.
"Từ những kết quả bước đầu đã đạt được, HTX đề ra mục tiêu tiếp tục kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân trên địa bàn; định hướng và hỗ trợ các thành viên sản xuất các loại nông sản có giá trị kinh kế cao. Đồng thời, mở rộng diện tích ổi, dứa, mít, trồng thêm sầu riêng và đầu tư nhà xưởng quy mô để phát triển lĩnh vực chế biến nông sản, nhằm tận dụng nguồn nông sản sẵn có tại địa phương. Để làm được điều này, bên cạnh nội lực của mình, HTX rất cần sự hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành", bà Trầm bộc bạch.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: