Điệu múa cà đáo của người Cor

07:45, 15/08/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong các lễ hội của đồng bào dân tộc Cor ở huyện Trà Bồng hầu như không bao giờ thiếu điệu múa cà đáo. Người Cor gìn giữ điệu múa đặc sắc này qua nhiều thế hệ, là nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của dân tộc Cor.

Phụ nữ người Cor không tham gia đánh chiêng, nhưng múa cà đáo lại đi liền với chiêng trống. Điệu múa này thường sử dụng trong các lễ hội. Ngay từ khi còn nhỏ, con gái người Cor đã được bà, mẹ truyền dạy cho điệu múa cà đáo. Điệu cà đáo nhịp nhàng, quyến rũ của người Cor thường có mặt trong các ngày lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn mừng nhà mới, Tết mùa, lễ cưới...

Nghệ nhân Hồ Ngọc An, ở xã Trà Thủy (Trà Bồng) cho biết, đội múa cà đáo của người Cor gồm nhiều phụ nữ mặc y phục cổ truyền với màu sắc rực rỡ, cườm trên trán, vai, hông và múa trên nền chiêng trống, di chuyển theo vòng tròn. Theo nhịp cồng chiêng, cánh tay của cô gái Cor đưa lên rồi cả thân người nhẹ nhàng nghiêng về bên trái theo tiếng chiêng vang, sau đó lại nghiêng về bên phải theo tiếng chiêng dập. Đặc biệt, khi tiếng chiêng dồn dập hòa lẫn vào nhau, các cô gái với đôi chân nhịp nhàng và thân hình uyển chuyển đã biểu hiện rõ sự dịu dàng và cả mạnh mẽ trước đất trời bao la. Trong điệu cà đáo, ấn tượng nhất là lúc những đôi tay dang ra và ngửa lên trời, đôi chân bám chặt vào đất, cầu mong được nhận những gì tốt đẹp từ thiên nhiên, núi rừng.

Điệu múa cà đáo được các cô gái Cor trình diễn tại Lễ hội Điện Trường Bà (Trà Bồng).
Điệu múa cà đáo được các cô gái Cor trình diễn tại Lễ hội Điện Trường Bà (Trà Bồng).

Trang phục lễ hội của phụ nữ Cor cũng là nét đặc sắc tôn lên vẻ đẹp của điệu múa cà đáo. Vào dịp lễ hội, các cô gái người Cor mặc trang phục rực rỡ. Áo trắng tinh cùng với chân váy màu đen hoặc xanh đen, đi cùng là đồ trang sức cầu kỳ với các loại chuỗi cườm ngũ sắc được đeo ở đầu, cổ và hông. Các dải cườm nhiều màu sắc góp phần tô thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Cor.
Trong ngày hội, hòa cùng tiếng chiêng ngân vang rừng núi dưới đôi tay khéo léo của chàng trai là sự dịu dàng uyển chuyển của các cô gái trong điệu múa cà đáo.

Nhà nghiên cứu văn hóa Cao Văn Chư cho biết, múa cà đáo có nhịp điệu nhẹ nhàng, uyển chuyển do các cô gái người Cor thể hiện trong các dịp lễ, Tết... Múa cà đáo có 2 dòng: Cà đáo trook đtăk nghĩa là cà đáo đường nước hay cà đáo vùng thấp; cà đáo trook gook nghĩa là cà đáo vùng cao. Cà đáo đường nước chậm rãi, cà đáo vùng cao dồn dập hơn. Trong lễ ăn trâu, các đội múa cà đáo trong y phục truyền thống phải múa cà đáo 3 đợt quanh cây nêu: Cà đáo cho chủ nhà, cà đáo cho làng và cà đáo cho khách. Các điệu múa cà đáo phụ thuộc vào điệu trống, chiêng.

Hiện nay, điệu múa cà đáo của đồng bào Cor đã được phục hồi và truyền lại cho thế hệ trẻ. Trong các sự kiện văn hóa quy mô cấp huyện, tỉnh và khu vực tổ chức thời gian gần đây, điệu múa cà đáo đã được trình diễn, giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp nhân dân, du khách, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Cor.

Bài, ảnh: PV

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 07:45, 15/08/2024

Ý kiến bạn đọc


.