Cải thiện cơ sở hạ tầng
Với người dân thôn Nước Lác và Làng Bâm, xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), họ cảm nhận rõ nhất về hiệu quả mà Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (chương trình) mang lại cho quê hương mình. Từ nguồn vốn của chương trình, tuyến đường Nước Lác - Làng Bâm có chiều dài 400m (vốn đầu tư 1,1 tỷ đồng) xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại, phát triển sản xuất của người dân 2 thôn. Ông Đinh Văn Hồi, ở xã Sơn Kỳ nhớ lại, trước kia, người dân 2 thôn đi lại rất khó khăn, mùa mưa đường lầy lội, khó đi. Từ khi con đường được bê tông, việc giao thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn nên đời sống của người dân được nâng cao.
Nhiều tuyến đường giao thông miền núi Quảng Ngãi được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: THU HẰNG |
Không chỉ ở Sơn Kỳ, thời gian qua, thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của chương trình, huyện Sơn Hà đã đầu tư 92 công trình, với tổng kinh phí hơn 127 tỷ đồng. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện 53 tuyến đường giao thông nông thôn về các thôn, xóm, khu dân cư.
Bắt đầu năm học 2023 - 2024, hơn 450 học sinh Trường Tiểu học và THCS Trà Tân (Trà Bồng), trong đó có 96,7% là người DTTS, được học tập trong những căn phòng rộng rãi, còn thơm mùi vôi mới. Từ nguồn vốn chương trình, nhà trường được đầu tư xây mới 4 phòng bộ môn, 1 thư viện và mua sắm thiết bị dạy học với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng. Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trà Tân Võ Đình Tú cho biết, việc trường được xây dựng thêm các phòng học không chỉ giúp thầy và trò có phòng học mới, phòng chức năng khang trang, sạch đẹp, mà còn đáp ứng yêu cầu dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, chương trình còn có các dự án chăm sóc sức khỏe người dân. Thực hiện dự án 7 về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, ngành y tế tỉnh đã tổ chức gần 50 lớp tập huấn cho hơn 1.500 cán bộ y tế tuyến huyện, cộng tác viên, y tế thôn. Việc thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em hay giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng được quan tâm thực hiện.
Từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều hộ dân ở huyện Sơn Hà được hỗ trợ chăn nuôi, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. ẢNH: PV |
Tại huyện Minh Long, để thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, huyện đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 6 tổ truyền thông, với hơn 70 thành viên, thực hiện các lớp tập huấn, tuyên truyền định kỳ hằng tháng, hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn. “Được tham gia các buổi tuyên truyền, bản thân tôi nhận thức được nhiều điều về bạo lực gia đình, chăm sóc bà mẹ trẻ em, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, chị Đinh Thị Thang, ở xã Long Hiệp, cho biết.
Ở cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh cũng đã thành lập 30 tổ truyền thông cộng đồng tại 30 thôn của 6 huyện, thành lập mới và củng cố, nâng cao chất lượng 6 địa chỉ tin cậy cộng đồng, tổ chức 2 hội nghị hướng dẫn thành lập và vận hành quản lý tổ truyền thông trên Zalo, Facebook...
Ngoài ra, nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 5 hội nghị phổ biến, tuyên truyền giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên, những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại một số trường THCS trên địa bàn các huyện miền núi. Tổ chức Hội thi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại trường THPT trên địa bàn huyện Sơn Hà và Ba Tơ.
Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hồ Ngọc Thịnh cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chủ động, nỗ lực triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm khai thác những tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước. Từ năm 2022 đến hết tháng 11/2023, Quảng Ngãi đã giải ngân gần 462/1.081 tỷ đồng, đạt 42,72% kế hoạch vốn chương trình đã phân bổ.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian đến tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả chương trình, đầu tư có trọng tâm đối với hạ tầng cơ sở thiết yếu phục vụ đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân vùng DTTS và miền núi. Tập huấn, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS kiến thức khoa học kỹ thuật, tư liệu sản xuất. Bảo tồn văn hóa và giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS. Mục tiêu nhằm xây dựng đời sống đồng bào DTTS và miền núi ngày càng khởi sắc...
Giảm hơn 6% hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi Từ nguồn vốn của chương trình, UBND các huyện miền núi đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa 256 công trình gồm: Xây dựng, nâng cấp 161 công trình giao thông, 20 công trình thủy lợi, 6 công trình điện, 2 công trình chợ, 2 công trình nghĩa trang nhân dân, nâng cấp, sửa chữa 1 công trình đài truyền thanh xã, đầu tư xây dựng 32 công trình trường lớp học, xây mới, sửa chữa nâng cấp 32 công trình nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Đến nay, các công trình khởi công năm 2022 hầu hết đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Các công trình thi công năm 2023 đã hoàn thành khoảng 80% khối lượng. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào DTTS trong tổng số hộ DTTS còn 32,24% (giảm 3,4% so với đầu năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 6,01% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. |
VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: