(Báo Quảng Ngãi)- Khi bị nghi có “đồ độc” thì người đó sẽ bị đánh hoặc bị đuổi khỏi làng. Hủ tục này từng gây ra nhiều vụ việc đau lòng tại thôn Làng Tốt, xã Ba Lế (Ba Tơ). Song, đến nay nhờ cán bộ, đảng viên và người uy tín tại địa phương cùng chung tay tuyên truyền vận động, người dân Làng Tốt đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần hủ tục, tiến tới xây dựng nếp sống văn minh.
Người uy tín Phạm Văn Bin và Phạm Văn Lê trao đổi với Công an xã Ba Lế (Ba Tơ) về giải pháp tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ nạn nghi kỵ cầm đồ độc. |
Chưa ai từng thấy, chưa ai từng chạm đến “đồ độc”, nhưng nạn nghi kỵ cầm đồ độc vẫn âm thầm len lỏi trong tiềm thức của cộng đồng người Hrê ở Làng Tốt. Nhiều người cho rằng người “cầm đồ độc” có thể dùng “đồ độc” để gây ra bệnh tật, thậm chí cướp đi tính mạng người khác. Những nghi kỵ mơ hồ này, đã gây nên bao mâu thuẫn, thù hằn giữa các gia đình ở Làng Tốt. Đỉnh điểm là vào tháng 7/2020, Phạm Văn Soi cùng 2 thanh niên khác trong làng là Phạm Văn Nghề, Phạm Văn Cua đã ra tay sát hại anh Phạm Văn Lối (ở cùng làng) vì ngờ vực cái chết của cha mình (mắc bệnh hiểm nghèo) là do anh Lối “cầm đồ độc”.
“Sau vụ việc rúng động, địa phương xác định phải vào cuộc cùng người Làng Tốt đẩy lùi hủ tục và xem đây là nhiệm vụ cấp thiết. Để làm được điều đó, địa phương đã phân công cán bộ, đảng viên phụ trách địa bàn, phối hợp chặt chẽ cùng người uy tín để sâu sát, vận động theo hướng “mưa dầm thấm lâu”. Bởi vì, để đẩy lùi được hủ tục đã ăn sâu vào suy nghĩ của bà con, không phải chuyện một sớm, một chiều”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ba Lế Phạm Thị Lăng cho biết.
Để đẩy lùi hủ tục đã ăn sâu vào tiềm thức của người làng, Bí thư Chi bộ thôn Làng Tốt Phạm Văn Ung, Trưởng thôn Làng Tốt Phạm Văn Nú đã kiên trì phối hợp cùng Công an xã Ba Lế “đi tận ngõ, gõ tận nhà”, vận động người dân bằng nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả.
“Sau vụ án rúng động, người chết, kẻ đi tù, con của một trong số các đối tượng đã bỏ học giữa chừng, vì mặc cảm với hành vi của cha mình. Từ câu chuyện đau lòng này, khi về cơ sở để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, chúng tôi đã tuyên truyền, giải thích để người dân thấy rằng, quan niệm về nghi kỵ cầm đồ độc đã gây ra rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến cuộc sống của cả con cháu của mình. Cùng với đó, mỗi khi trong làng có người qua đời, chúng tôi phối hợp với ngành y tế giải thích nguyên nhân cái chết bằng chứng cứ khoa học cụ thể để người làng không hoài nghi, nghi kỵ liên quan đến cầm đồ độc. Và khi người làng phát sinh mâu thuẫn dù là nhỏ nhất, chúng tôi đều có mặt để hòa giải, tránh phát sinh sự việc đau lòng. Bởi một số người, hễ cãi vã là lại nghi kỵ nhau cầm đồ độc”, Thượng úy Phạm Văn Nãy, cán bộ Công an xã Ba Lế cho biết.
Bên cạnh việc tăng cường cán bộ, đảng viên về cơ sở, địa phương đã dựa vào người có uy tín để “nói dân hiểu, làm dân tin”. “Tôi luôn dặn bà con, ngày trước, làng mình có nhiều hủ tục, như vào những năm 1980 -1990 của thế kỷ trước, hễ đến 18 tuổi, là thanh niên trong làng phải nhổ đi các răng nanh. Hồi đó, nhà nhà, người người đều làm theo hủ tục này, gây đau đớn và ảnh hưởng sức khỏe nhiều lắm. Ấy vậy mà sau này, cả làng đều bỏ được hủ tục này. Vậy thì giờ, cũng phải đẩy lùi nạn nghi kỵ cầm đồ độc. Vì nó gây mâu thuẫn, xảy ra án mạng rồi”, già làng Phạm Văn Lê bảo.
Nhờ sự tích cực vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương cùng người uy tín, gần 3 năm qua, nạn nghi kỵ cầm đồ độc tại Làng Tốt đã cơ bản được kiểm soát. Người Làng Tốt đã thống nhất lập ra hương ước để đẩy lùi hủ tục này. Hương ước quy định, trong làng, hễ ai đặt điều, nghi kỵ vô căn cứ về người khác, sẽ bị kiểm điểm, phạt vạ trước làng.
Bài, ảnh: Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: