(Báo Quảng Ngãi)- Đầu năm 2023, UBND tỉnh đăng ký với Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ thực hiện mô hình điểm cấp tỉnh “Triển khai dịch vụ công”. Bước đầu, mô hình đã đạt được một số kết quả tích cực.
Công an huyện Nghĩa Hành hướng dẫn học sinh cài đặt VNeID. Ảnh: CA |
Để triển khai mô hình trên, Tổ Công tác Đề án 06 tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo và quy định rõ mục tiêu, phạm vi triển khai và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong tổ. Từ đó, các cơ quan, đơn vị liên quan đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Đề án 06. Trong đó, Tỉnh đoàn phát động và ra quân thực hiện Ngày cao điểm chung tay hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến và tuyên truyền văn hóa công vụ trên địa bàn tỉnh. Qua triển khai, 100% cơ sở đoàn ra quân thực hiện, với 140 đội hình gồm hơn 1.690 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia. Các đội hình đã hỗ trợ người dân giải quyết 2.393 thủ tục hành chính; cài đặt định danh điện tử cho 2.280 lượt người dân; hướng dẫn 2.283 lượt người thực hiện các DVC trực tuyến.
Bí thư Tỉnh đoàn Cao Lê Tùng Nghĩa cho biết, qua triển khai chủ đề Tháng Thanh niên và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2023 “Tuổi trẻ Quảng Ngãi tiên phong chuyển đổi số”, các cấp bộ đoàn đã tham gia số hóa các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền chuyển đổi số, hỗ trợ thanh toán điện tử, khai báo, nộp thuế điện tử. Tổ chức 2 gian hàng “Thanh niên Quảng Ngãi với chuyển đổi số” tại xã Bình Minh (Bình Sơn) và thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng).
Tại xã Bình Minh, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh đã tuyên truyền việc cài đặt định danh điện tử cho hơn 200 lượt ĐVTN và người dân; hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đề nghị xác nhận định danh điện tử mức độ 2 cho 25 công dân. Đoàn Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh hỗ trợ người dân tạo lập 35 tài khoản ngân hàng; tạo mới 24 ví điện tử VNPT Money cho người dân để thực hiện thanh toán điện tử; hỗ trợ gần 40 tiểu thương khai báo, nộp thuế trực tuyến; tuyên truyền, hướng dẫn 350 lượt ĐVTN, học sinh, người dân và tiểu thương tại huyện Bình Sơn và huyện Trà Bồng thực hiện DVC trực tuyến.
Hưởng ứng Tháng Thanh niên, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh tổ chức 45 lượt hoạt động, với gần 200 lượt ĐVTN tham gia. Qua đó, giúp 3.500 lượt người kích hoạt định danh điện tử mức độ 1. Phối hợp tổ chức thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử mức độ 2 cho hơn 4.500 người; đồng thời hỗ trợ 3.580 trường hợp kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện 25 DVC thiết yếu trực tuyến. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, có 23/25 DVC thiết yếu phát sinh hồ sơ trực tuyến. Tỷ lệ DVC trực tuyến có xu hướng tháng sau tăng cao hơn tháng trước.
Trong đó, có 16/22 DVC trực tuyến thiết yếu có tỷ lệ thực hiện trên 50%. Đặc biệt, có 4 DVC thực hiện trực tuyến đạt 100%, gồm: Xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ căn cước công dân; thông báo lưu trú; khai báo tạm vắng; thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu. Riêng việc đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân đạt 98%. Việc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng đạt trên 96%...
Thượng tá Trần Ngọc Hải - Trưởng Công an huyện Ba Tơ cho biết, thực hiện mô hình điểm “Triển khai dịch vụ công”, huyện Ba Tơ chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về việc thực hiện 25 DVC thiết yếu trực tuyến. Huyện tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, 4 đăng trên các trang mạng Zalo, Facebook của các đơn vị, địa phương để người dân làm theo. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an huyện Ba Tơ và các xã, thị trấn trong huyện đã tiếp nhận và giải quyết gần 100 hồ sơ trực tuyến về cấp đổi, cấp lại căn cước công dân, đạt hơn 92%; 90 hồ sơ đăng ký thường trú; gần 40 hồ sơ đăng ký tạm trú, 380 hồ sơ thông báo lưu trú. Tiếp nhận, xử lý trực tuyến 62 hồ sơ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe máy.
BÁ SƠN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: