(Báo Quảng Ngãi)- Về bản chất, bệnh giáo điều là khuynh hướng tư tưởng và hành động tuyệt đối hóa lý luận, hạ thấp thực tiễn, không đánh giá đúng vai trò của thực tiễn trong hoạt động nhận thức cũng như hoạt động lý luận. Hoặc trong hoạt động lãnh đạo, quản lý áp dụng lý luận và kinh nghiệm không tính tới điều kiện thực tiễn lịch sử - cụ thể của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Thực tiễn cho thấy, trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý thường xuất hiện có 2 loại bệnh giáo điều. Một là, giáo điều lý luận, thể hiện ở chỗ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vận dụng lý luận không căn cứ vào những điều kiện thực tiễn - cụ thể của đơn vị mình, ngành mình; học tập lý luận tách rời thực tiễn, xa rời cuộc sống, rơi vào bệnh sách vở; bệnh “tầm chương, trích cú”; bệnh câu chữ... Hai là, giáo điều kinh nghiệm, thể hiện ở chỗ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý vận dụng kinh nghiệm của ngành khác, người khác, địa phương khác, nước khác vào hoạt động lãnh đạo, quản lý của mình, nhưng không tính tới những điều kiện thực tiễn lịch sử - cụ thể của địa phương mình, ngành mình.
Lãnh đạo huyện Minh Long thăm hỏi đời sống người dân thôn Gò Tranh, xã Long Sơn. Ảnh: Thanh Thuận |
Bệnh giáo điều ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Việt Nam có nhiều nguyên nhân, như: Ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp quá lâu; ảnh hưởng của tư tưởng tiểu tư sản, như bệnh thành tích, bệnh hình thức... Đặc biệt là, vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn và không hiểu quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn ở một số cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Đây là nguyên nhân cơ bản, trực tiếp nhất của căn bệnh giáo điều ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý Việt Nam. Để ngăn ngừa, khắc phục có hiệu quả bệnh giáo điều cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Từng bước hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; khắc phục chủ nghĩa thành tích, chủ nghĩa hình thức, quán triệt tốt trên thực tế nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, hiểu và vận dụng đúng đắn quan hệ biện chứng giữa lý luận với thực tiễn trong nhận thức và hoạt động cải tạo xã hội cũng như hoạt động lãnh đạo, quản lý của chính đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý này. Đặc biệt, phải tăng cường tổng kết thực tiễn.
Tổng kết thực tiễn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của lý luận, ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều. Xét về bản chất, tổng kết thực tiễn là hoạt động trí tuệ của chủ thể tổng kết thực tiễn. Là quá trình chủ thể tổng kết thực tiễn bằng tư duy khoa học với phương pháp biện chứng duy vật làm cơ sở phân tích, đánh giá, khái quát hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động cải tạo chính trị - xã hội, cải tạo các quan hệ xã hội; hoạt động thực nghiệm khoa học nhằm kiểm tra chân lý, kiểm tra sự đúng sai của lý luận để bổ sung, hoàn thiện, phát triển lý luận và rút ra những bài học kinh nghiệm chỉ đạo hoạt động thực tiễn và hoạt động lý luận tiếp theo. Trên cơ sở đó, ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục bệnh kinh nghiệm và bệnh giáo điều có hiệu quả. Vì tổng kết thực tiễn có vai trò quan trọng nên các đại hội của Đảng luôn quan tâm chú trọng công tác tổng kết thực tiễn.
Tiếp tục tinh thần các Đại hội trước, Đại hội XII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”. Điểm mới của Đại hội XII so với các đại hội trước về vấn đề này là đưa tổng kết thực tiễn lên trước nghiên cứu lý luận.
Tiếp thu tri thức từ sách vở, thực tiễn công tác sẽ giúp cán bộ có những quyết đoán khoa học hơn. Ảnh: Internet |
Đại hội XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ đầy đủ hơn, toàn diện hơn trong việc đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận và đặc biệt nhấn mạnh sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đẩy mạnh tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đại hội cũng chỉ rõ: “Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nghiên cứu lý luận. Từng bước đưa hoạt động trao đổi lý luận của Đảng ta với một số đảng cầm quyền, đảng tham chính ở một số nước đi vào chiều sâu, hiệu quả. Đầu tư thích đáng cho việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lý luân; có chế độ, chính sách thỏa đáng nhằm thu hút, trọng dụng các chuyên gia đầu ngành”.
Tuy nhiên, để tổng kết thực tiễn có hiệu quả thì cần phải quán triệt quan điểm khách quan, vì vận dụng quan điểm khách quan vào tổng kết thực tiễn, chủ thể khi tổng kết thực tiễn sẽ tránh được bệnh chủ quan, không tô hồng, không bôi đen kết quả tổng kết. Quá trình này sẽ giúp cho chủ thể khi tổng kết thực tiễn luôn biết xuất phát từ thực tiễn mà không xuất phát từ mong muôn chủ quan. Các kết luận rút ra từ tổng kết thực tiễn phải mang tính khái quát cao, nghĩa là phải có tính phổ biến, có giá trị chỉ đạo hoạt động nhận thức và hoạt động lãnh đạo quản lý, hoạt động cải tạo thế giới khách quan tiếp theo. Mục đích của tổng kết thực tiễn phải đúng đắn, nghĩa là phải vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; không vì chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa thành tích.
HOÀNG ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: