Phương châm, biện pháp đoàn kết tôn giáo
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đoàn kết tôn giáo nằm trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và không ngoài mục đích giành độc lập cho dân tộc, xây dựng đất nước giàu mạnh, mọi người dân dù có hay không có tôn giáo, dù theo các tôn giáo khác nhau, đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và có điều kiện phát triển toàn diện. Nội dung cơ bản của đoàn kết tôn giáo theo tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm: Đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đoàn kết giữa đồng bào trong mỗi tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc. Đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không tín ngưỡng, tôn giáo là nội dung được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Theo Người, muốn thực hiện đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, trước hết phải thực hiện đoàn kết giữa đồng bào có đạo và đồng bào không theo đạo.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bùi Đức Thọ thăm, tặng quà cho Hòa thượng Thích Thông Hội - Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, trụ trì chùa Từ Quang, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: HIỀN THU |
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: Mục đích Đảng, Chính phủ theo đuổi là chiến đấu vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Song, để đạt được mục đích đó cho mọi người, cần xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo, vì vậy, để xây dựng được khối đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cùng với đoàn kết giữa đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo, còn phải đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong hoàn cảnh mất nước, đồng bào các tôn giáo cùng chung cảnh bị áp bức, bóc lột nặng nề, sống trong cảnh lầm than. Nước có độc lập thì các tôn giáo mới được tự do, vì vậy, đồng bào các tôn giáo cần đoàn kết với nhau trong khối đoàn kết dân tộc vì mục tiêu giải phóng dân tộc.
Thực tế cho thấy, các tôn giáo thường bao gồm rất nhiều tín đồ có thành phần xã hội khác nhau, bản thân vị trí của các nhà tu hành, chức sắc và tín đồ trong tôn giáo cũng khác nhau, nên tư tưởng, thái độ, tình cảm và thậm chí cả đức tin có những điểm khác nhau là điều bình thường. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, càng phải chú trọng tới đoàn kết trong nội bộ các tôn giáo vì mục tiêu chung của dân tộc. Do đó, Người nhiều lần kêu gọi đồng bào các tôn giáo và nhắn nhủ các vị chức sắc, nhà tu hành tôn giáo cần đoàn kết thật tốt trong nội bộ từng tôn giáo trên cơ sở cùng phấn đấu vì độc lập dân tộc và cuộc sống “phần xác ấm no, phần hồn thong dong” của đồng bào.
Đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh có thể được khái quát trong phương châm: Rộng rãi - Toàn diện - Nhất quán - Chặt chẽ - Lâu dài. Đối tượng đoàn kết tôn giáo, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất rộng lớn, đoàn kết không chỉ giữa đồng bào lương và đồng bào giáo, giữa đồng bào các tôn giáo với cán bộ, đảng viên, mà còn giữa đồng bào các tôn giáo với nhau và giữa đồng bào trong từng tôn giáo nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết tôn giáo phải mang tính toàn diện, đoàn kết trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến văn hóa, xã hội... Đoàn kết tôn giáo phải mang tính nhất quán, từ chủ trương, chính sách, pháp luật đến tổ chức thực hiện; từ tư tưởng, tình cảm đến hành vi ứng xử đều phải thể hiện tinh thần đoàn kết; trong mọi hoàn cảnh, điều kiện đều phải có tinh thần đoàn kết. Không những vậy, đoàn kết tôn giáo phải chặt chẽ, thật lòng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc. Người không chỉ đề ra chính sách đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc một cách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và nguyện vọng của nhân dân, mà còn là tấm gương mẫu mực trong đoàn kết với đồng bào các tôn giáo. Phương pháp đoàn kết tôn giáo trong tư tưởng của Người vừa mang tính khoa học, sát hợp với thực tiễn, vừa mang tính nhân văn sâu sắc. Đó là, “cầu đồng, tồn dị”, tìm kiếm, phát huy những điểm tương đồng, đồng thời tôn trọng sự khác biệt, để đi tới sự thống nhất. Lấy lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền lợi căn bản của nhân dân làm mẫu số chung để đoàn kết tôn giáo. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trân trọng, thân ái, đề cao nhân cách các vị sáng lập tôn giáo và vai trò của chức sắc, nhà tu hành tôn giáo. Vận động, thuyết phục chức sắc tôn giáo kêu gọi tín đồ đoàn kết, xây dựng đất nước. Công tác vận động chức sắc tốt sẽ góp phần ngăn chặn âm mưu của những kẻ lợi dụng tôn giáo chia rẽ khối đoàn kết toàn dân tộc. Chức sắc tôn giáo còn hỗ trợ, giúp đỡ cán bộ sửa chữa sai lầm, thực hiện đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ. Quan tâm đến đời sống của đồng bào các tôn giáo.
Phát huy các giá trị của tôn giáo
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo lý các tôn giáo dù khác nhau nhưng đều có điểm chung là đề cao tính nhân đạo, hướng thiện của con người. Người viết: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”. Tư tưởng bác ái của Chúa Giêsu, tư tưởng từ bi, hỉ xả, vô ngã vị tha của Đức Phật và tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Tử có sự tương đồng với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người trân trọng và đề cao nhân cách, sự đóng góp của các vị sáng lập tôn giáo đối với tiến bộ của nhân loại và đề nghị mọi người học tập, noi gương.
Đến năm 2022, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo, với hơn 27 triệu tín đồ. |
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định, tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam căn bản đều yêu nước. Người giải thích cho đồng bào các tôn giáo hiểu rõ sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa mà cả dân tộc Việt Nam đang thực hiện phù hợp với lý tưởng của các tôn giáo chân chính; đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc là phù hợp với lý tưởng của các vị sáng lập tôn giáo. Người kêu gọi đồng bào các tôn giáo phát huy chủ nghĩa yêu nước và những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong giáo lý tôn giáo để xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Đối với chức sắc, nhà tu hành tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng và đánh giá cao vị trí, vai trò của họ trong tổ chức tôn giáo; khuyến khích, động viên họ tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Người cũng luôn trân trọng những đóng góp dù nhỏ của các vị chức sắc, nhà tu hành và khích lệ họ tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.
Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không những trân trọng những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong tôn giáo, mà còn khuyến khích chức sắc, nhà tu hành và đồng bào các tôn giáo phát huy những giá trị đó trong cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
HOÀNG ANH
TIN, BÀI LIÊN QUAN: