Quyền lực và tự kiểm soát quyền lực

14:04, 27/12/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Quyền lực được hiểu là khả năng gây ảnh hưởng đến người khác, điều khiển, bắt buộc người khác phải tuân theo dù muốn hay không muốn. Xét về nội hàm, trong quyền lực luôn có sự cân bằng giữa quyền được điều khiển, bắt buộc người khác (lợi ích) và sự chịu trách nhiệm về hậu quả của sự điều khiển, bắt buộc đó (trách nhiệm).

Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Trần Đình Cảm tặng Giấy khen cho các tổ chức cơ sở đảng tiêu biểu.
ẢNH: TL
Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hành Trần Đình Cảm tặng Giấy khen cho các tổ chức cơ sở đảng tiêu biểu. Ảnh: TL

Kiểm soát quyền lực

Nếu trách nhiệm nhiều, quyền lợi ít thì sẽ khó điều khiển người khác; ngược lại, trách nhiệm ít, quyền lợi nhiều dễ dẫn đến độc đoán, chuyên quyền. Trên thực tế, những người nắm giữ quyền lực thường quá chú ý và tận dụng triệt để khía cạnh lợi ích mà thiếu quan tâm hoặc cố tình xem nhẹ yếu tố trách nhiệm. Quyền lực là vô hình, nhưng hậu quả và hiệu quả mang lại là hữu hình. Đó là cơ sở để quyền lực phải luôn được kiểm soát.

Ở Việt Nam, quyền lực trong các tổ chức công quyền hiện nay là quyền lực nhà nước. Về bản chất, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trên nền tảng chính trị - xã hội do Đảng lãnh đạo. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả. Để quản lý xã hội, quyền lực nhà nước được giao cho một số người là cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, khi cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ là đang đại diện, sử dụng quyền lực được giao để thực hiện nhiệm vụ. Với vị trí, vai trò là công cụ đặc biệt trong quản lý nhà nước, quyền lực luôn gắn với lợi ích nên dễ bị lợi dụng vào những mục đích tư lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp dĩ công vi tư”. Vì lẽ đó, vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam luôn được chú trọng.

Hiện nay, về cơ bản có 3 cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước: Sự tự kiểm soát của người được giao quyền; sự kiểm soát giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước; sự kiểm soát của xã hội, bao gồm cả đảng chính trị, các tổ chức xã hội, báo chí, người dân...

Trong đó, tự kiểm soát có thể xem là phương thức khó thực hiện nhất, bởi đó là quá trình người cầm quyền phải tự quản lý và điều chỉnh việc thực thi quyền lực của chính mình; tự mình xem xét, đánh giá, biểu dương hay kỷ luật chính mình... Mà xu hướng của mỗi cá nhân thì luôn tha thứ và dễ dãi với bản thân. Sẽ là hoàn hảo nếu quá trình của thực thi quyền lực là đúng đắn và kết quả là hiệu quả. Song nếu quá trình sử dụng quyền lực, vốn được Nhà nước trao cho, lại hàm chứa lợi ích cá nhân, toan tính của nhóm trong đó, thì hậu quả có thể thật khó lường.

Thường xuyên tự soi, tự sửa

Vậy làm thế nào để tự kiểm soát? Đó là phải thường xuyên tự phê bình, tự soi, tự sửa. Thực chất của “tự soi, tự sửa” chính là thường xuyên “tự phê bình”, tự điều chỉnh mình, “như một thói quen rửa mặt hằng ngày”. Tự phê bình và tự soi, tự sửa đều đòi hỏi sự tự nguyện, tự giác, dũng cảm, cầu thị đối với những hạn chế, khuyết điểm... của “cái tôi”.

So với tự phê bình, tự soi, tự sửa đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải trung thực, dũng cảm hơn, vì tự phê bình có thể làm trước người khác, trước tổ chức, nhưng tự soi, tự sửa là tự đối diện với chính mình, nhìn thẳng vào mình, thấy rõ và chỉ ra những sai sót, sai lầm, thậm chí sai phạm của bản thân, và tự mình phòng ngừa, dừng lại. Tự soi, tự sửa còn bao hàm việc phát huy ưu điểm mà không tự mãn, ngủ quên trên ánh hào quang.

Tự phê bình, tự soi, tự sửa vì thế đều là những công việc đầy cam go, bởi vì cái tôi, vì thói quen, vì sợ mất thể diện, uy tín... Đó thực chất là cuộc cách mạng diễn ra trong chính mỗi người, là cuộc đấu tranh giữa tốt và xấu, là thử thách khi đứng giữa tình cảm và lý trí, cầu thị và bảo thủ... trong chính mình; đòi hỏi mỗi người muốn tiến bộ phải trung thực, có quyết tâm cao, dũng khí lớn để vượt qua chính mình.

Trong tình hình mới, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự phê bình, tự soi, tự sửa là để chống chủ nghĩa cá nhân: Đây là địch nội xâm và đáng sợ hơn cả địch bên ngoài. Chung quy, chủ nghĩa cá nhân có ba biểu hiện chính bao gồm: Đòi hưởng thụ, đòi thỏa mãn ham muốn cá nhân; thái độ kiêu ngạo, công thần; hành động tự do, vô tổ chức. Với ba biểu hiện trên, chủ nghĩa cá nhân làm cho “một số cán bộ, đảng viên xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật của Đảng”; làm cho cán bộ, đảng viên thoái hóa, lạc hậu; đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm.

Danh dự là thiêng liêng, cao quý nhất

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, đối với cán bộ, đảng viên thì “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Danh dự phải trải qua quá trình tu dưỡng, rèn luyện, và có được là do mỗi con người tự xây đắp nên, không ai làm thay được. Danh dự của mỗi cá nhân được bảo vệ thì uy tín của tập thể sẽ được bảo toàn.

Một là, phải thống nhất giữa nhận thức và thực hành trong tự phê bình, tự soi, tự sửa. Không nên nói và viết rất hay, rất đầy đủ nhưng trong thực hành lại lúng túng, không làm được hoặc làm lấy lệ, hình thức.

Hai là, phải dũng cảm, trung thực trong tự phê bình, tự soi. Đã là con người, không ai không có sai sót, sai lầm, khuyết điểm. Sẽ là không biện chứng nếu né tránh “mình không có sai lầm, khuyết điểm”. Hơn nữa, khi tự phê bình, tự soi, phải trung thực và dũng cảm, tìm đúng và đủ nguyên nhân, không nên chỉ chăm chăm do “yếu tố khách quan”, do “điều kiện để lại”...

Ba là, phải quyết tâm, cầu thị, tự giác trong “tự sửa”. Tự sửa là tự bốc thuốc và tự mình uống thuốc. Thuốc phải bốc cho đúng, đủ và uống phải đúng cách. Tất cả đòi hỏi phải có sự quyết tâm, cầu thị và tự giác, vượt qua chính mình, kỷ luật với chính mình.

Bốn là, phải được tiến hành chủ động, từ sớm, từ xa, ngay từ khi nó bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ, hành động và điều quan trọng là phải thực hiện thường xuyên.

Năm là, phải gắn với trách nhiệm nêu gương. Để tự phê bình, tự soi, tự sửa trở thành một văn hóa, thì cần có môi trường cho văn hóa ấy sinh sôi, phát triển. Môi trường đó là tấm gương của tập thể, tổ chức, của mỗi cá nhân, nhất là người đứng đầu, trở thành động lực để mỗi cán bộ, đảng viên thực hành.

Sáu là, phải gắn với kỷ cương, kỷ luật. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, chấp hành tốt các quy chế, điều lệ, các quy định của pháp luật... Các hình thức xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm phải được thực hiện công khai, minh bạch, nghiêm minh. Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên “không thể”, “không dám” và “không muốn” phạm khuyết điểm, thực hiện tốt phương châm “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”.

Có thể nói, cuộc đấu tranh với chính mình là cuộc đấu tranh khó nhất, đặc biệt là liên quan đến quyền lực, lợi ích. Việc hoàn thiện các cơ chế, phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước là câu chuyện còn dài. Song trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên hãy là một phần tích cực trong tự kiểm soát. Quyền lực mình đang nắm giữ, không phải là cái của chính mình trao cho, mà là của nhân dân tin tưởng, Nhà nước giao phó. Phải luôn tự mình nhốt quyền lực đó trong lồng do chính mình đặt ra. Một trong những cách nhốt hữu hiệu nhất chính là thường xuyên tự phê bình, tự soi, tự sửa. Giá trị, danh dự của bản thân sẽ tỏa sáng từ những điều này. Sự trường tồn của quốc gia, dân tộc cũng nhờ đó mà hiện hữu.

THÚY HIỂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 14:04, 27/12/2023

Ý kiến bạn đọc


.