(Báo Quảng Ngãi)- Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các địa phương miền núi trong tỉnh đã có cách làm sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, góp phần thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đề ra.
Những ngày này, xã Trà Bình (Trà Bồng) đang tập trung thi công công trình điện chiếu sáng ở thôn Bình Tân. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Bí thư Chi bộ thôn Bình Tân, xã Trà Bình (Trà Bồng) Võ Thành Đỏ (bên phải) tuyên truyền, vận động người dân thực hiện công trình điện chiếu sáng. Ảnh: BS |
Bí thư Đảng ủy xã Trà Bình Nguyễn Quang Tuấn cho biết, để thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quan tâm phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc; mở rộng các ngành nghề, phát triển dịch vụ, thương mại và tiểu thủ công nghiệp... Dự kiến, xã thực hiện đạt và vượt tất cả 14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó, tăng trưởng kinh tế bình quân ước đạt 6,5 - 7%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5% và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 62 triệu đồng/người/năm, đều vượt chỉ tiêu đề ra.
Nhằm đưa nghị quyết đại hội đảng các cấp đi vào cuộc sống, Huyện ủy Trà Bồng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề phù hợp với thực tiễn địa phương để thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm và 2 nhiệm vụ đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đề ra. Qua triển khai, huyện đã phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...
Kết quả sau 4 năm thực hiện nghị quyết, 22 chỉ tiêu chủ yếu của huyện Trà Bồng cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, ước tổng giá trị sản xuất đến hết năm 2025 đạt 2.816 tỷ đồng, tăng 10,7%/năm, đạt chỉ tiêu so với nghị quyết đề ra. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện ước giảm còn 6,52%, giảm 36% so với đầu nhiệm kỳ.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Sơn Tây đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi. Trong đó, huyện lựa chọn bước đột phá về nông nghiệp sạch, hữu cơ để thực hiện. Điều này giúp kinh tế nông nghiệp của huyện có những bước phát triển vững chắc, nhất là xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương, nâng tầm giá trị nông sản. Huyện Sơn Tây đã hình thành vùng trồng cây chủ lực (cây cau), vùng cây trồng mới (ổi, chuối, bưởi, dứa...) đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp trong tình hình mới.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Sơn Tây được giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ảnh: K.NGÂN |
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Sơn Tây lần thứ XVIII đề ra mục tiêu phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Để đạt mục tiêu này, UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT huyện xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức thực hiện bước đột phá về nông nghiệp sạch, hữu cơ. Các xã đã cụ thể hóa và xây dựng các mô hình dựa trên thế mạnh của địa phương; đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; đào tạo nhân lực lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Đến nay, huyện có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và dự kiến đến cuối năm 2025 có thêm 8 - 10 sản phẩm OCOP 3 sao. Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng bình quân 3%/năm. Kết quả đó đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; diện mạo nông thôn, miền núi ngày càng khởi sắc.
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sơn Tây Đinh Quang Ven cho biết, dự kiến đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 5,5%/năm, đạt chỉ tiêu nghị quyết; tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 8%/năm... Từ đó tạo tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Minh Long xác định phát triển nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ưu tiên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng vùng; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi.
Huyện Minh Long khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, an toàn, chất lượng cao, gắn với bảo vệ môi trường. Việc xác định hướng đi đúng, cùng với tổ chức thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết về phát triển nông - lâm nghiệp đã góp phần giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
“Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, giai đoạn 2020- 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện ước đạt 8,6%/năm, vượt chỉ tiêu nghị quyết. Ước đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 4,5%. Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn của huyện ngày một khởi sắc”, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Minh Long Đinh Văn Điết cho hay.
BÁ SƠN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: