(Báo Quảng Ngãi)- Câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, cùng với lời căn dặn cuối cùng của Tổng Bí thư Trần Phú “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”, khiến cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân bùi ngùi xúc động. Đó là lời hiệu triệu trái tim, động viên tinh thần yêu nước, giữ vững khí tiết người cộng sản, đặt lên trên hết trách nhiệm với dân, với nước.
Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). |
Chúng tôi về thăm Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú, ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Nơi đây từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cả nước.
Cống hiến cả cuộc đời cho cách mạng
Tổng Bí thư Trần Phú. |
Từng dòng người về khu di tích thắp hương tưởng nhớ đồng chí Trần Phú không khỏi xúc động khi nghe thuyết minh và xem những hình ảnh, hiện vật gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Từ khi giác ngộ lý tưởng đến khi giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng chỉ gần 10 năm, nhưng đồng chí Trần Phú đã để lại di sản vô cùng quý báu cho Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 tại huyện Tuy An (Phú Yên), nguyên quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh). Xuất thân từ một gia đình nhà nho yêu nước, mồ côi cha khi mới hơn 4 tuổi, Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên trong học tập theo tấm gương của cha, mẹ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập, tham gia “Hội Tu tiến” để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước.
Bức tượng đồng chí Trần Phú trong nhà lưu niệm. |
Năm 1918, đồng chí Trần Phú vào học tại Trường Quốc học Huế, đến năm 1922 đỗ đầu kỳ thi Thành Chung. Từ năm 1923 - 1925, dạy ở Trường Tiểu học Cao Xuân Dục, TP.Vinh (Nghệ An). Tháng 7/1925, đồng chí tham gia thành lập Hội Phục Việt, sau đổi thành Hội Hưng Nam. Ngày 17/7/1926, đồng chí Trần Phú được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc và được dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy; được kết nạp vào Cộng sản Đoàn và được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mác-xcơ-va (Liên Xô). Ngày 11/11/1928, đồng chí sang Pháp đem theo thư của Quốc tế Cộng sản gửi cho những tổ chức cộng sản Đông Dương kêu gọi các tổ chức hợp nhất lại. Đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, đồng chí nhận chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, bí mật về nước hoạt động. Sau đó, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu tham gia hoạt động trong Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Bản Luận cương Chính trị năm 1930. |
Mùa thu năm 1930, tại tầng hầm ngôi nhà số 90 Phố Thợ Nhuộm (Hà Nội), đồng chí Trần Phú đã viết Dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng. Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Hương Cảng (Trung Quốc) đã thông qua bản Luận cương Chính trị và bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Luận cương Chính trị đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua những thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang. Giữa lúc phong trào cách mạng nước ta đang có những bước phát triển mới, Trung ương Đảng đang triển khai nhiều chủ trương quan trọng, rạng sáng ngày 19/4/1931, trụ sở của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ở số 66 đường Champagne (nay là đường Lý Chính Thắng, TP.Hồ Chí Minh) bị lộ, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và giam tại Khám lớn - Sài Gòn.
Khu di tích Trần Phú có diện tích hơn 5ha, gồm có khu mộ, nhà thờ và nhà lưu niệm. Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú đặt trên núi Quần Hội. Ngày 12/1/1999, hài cốt đồng chí Trần Phú được di dời từ khu nghĩa trang của Nhà thương Chợ Quán cũ (nay là khu công viên Lê Thị Riêng, TP.Hồ Chí Minh về an táng tại quê nhà ở Hà Tĩnh. Ngay trước phần mộ là dòng chữ nổi lớn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Còn tại nhà lưu niệm, hiện trưng bày gần 300 hiện vật, kỷ vật, tài liệu, hình ảnh gắn liền với thân thế, sự nghiệp của Tổng Bí thư Trần Phú. |
Đồng chí Trần Phú là tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Gần 5 tháng bị địch bắt, giam cầm, tra tấn, nhưng đồng chí vẫn giữ vững chí khí chiến đấu của người cộng sản. Thực dân Pháp đã không từ một thủ đoạn dã man, xảo quyệt nào hòng khuất phục người cộng sản kiên trung của Đảng, kể cả việc dụ dỗ, mua chuộc, nhưng chúng đều thất bại. Đồng chí Trần Phú vẫn luôn kiên cường, bình tĩnh, sáng suốt truyền nhiệt huyết, niềm tin vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam giữ trong nhà tù. Ngày 6/9/1931, dưới đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, với bệnh tình và sức khỏe suy yếu, đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng. Trước lúc hy sinh, đồng chí nắm tay một bạn tù cùng nằm ở nhà thương nói rằng: “Trước sau tôi chỉ mong anh chị em hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Cảm phục trước sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú, anh chị em tù chính trị ở khám lớn Sài Gòn năm 1931 đã làm thơ: “Trần Phú anh ơi đã thác rồi/ Thác mà như thế đẹp gương soi/ Bao phen sóng gió đâu sờn dạ/ Mấy trận đòn tra chẳng hở môi/ Giọt máu anh hùng giờ tơi tả/ Trái tim vô sản vẫn không rời/ Tuy anh đã thác gương còn sáng/ Thác được như anh sáng suốt đời”.
Gương sáng cho thế hệ trẻ
Đồng chí Trần Phú là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của Đảng và dân tộc, suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Từ một thanh niên yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí đã trở thành Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng trong những năm tháng sục sôi khí thế cách mạng. Đồng chí hy sinh khi mới 27 tuổi. Đồng chí Trần Phú đã anh dũng hy sinh vì Đảng, vì sự nghiệp cách mạng, vì lý tưởng cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ca ngợi: “Đồng chí Trần Phú là một người con ưu tú của Đảng và của nhân dân, đã oanh liệt hy sinh cho cách mạng”.
Du khách tham quan, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Trần Phú tại khu di tích. |
Đồng chí Trần Phú là tấm gương sáng để các thế hệ học tập và noi theo, một tấm gương chói lọi của một chiến sĩ cộng sản kiên cường, trước hiểm nguy không lùi bước, trước kẻ thù không khuất phục. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang, tinh thần hy sinh bất khuất, phẩm chất cách mạng cao quý, khát vọng cao cả và niềm tin không gì lay chuyển nổi của đồng chí Trần Phú vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng là nguồn cổ vũ các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tài sản quý giá của Đảng Luận cương Chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư là những văn kiện quý giá, góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam. Đây là kết quả của sự nỗ lực tìm tòi, vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản. |
Lời căn dặn “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của Tổng Bí thư Trần Phú là lời nhắn gửi đến các thế hệ cán bộ, đảng viên hãy luôn đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú là dịp để tưởng nhớ công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, mỗi cán bộ, đảng viên nguyện phấn đấu kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bài, ảnh: TÀI ĐỨC
TIN, BÀI LIÊN QUAN: