Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1.5.1904- 1.5 .2014):
Tổng Bí thư Trần Phú và gia đình với quê hương Quảng Ngãi

04:04, 29/04/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Đồng chí Trần Phú- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại- Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, quê quán xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đồng chí  và gia đình đã  gắn bó với mảnh đất và con người Quảng Ngãi từ năm 1906 đến năm 1910. Chỉ vẻn vẹn bốn năm, nhưng hoàn cảnh xã hội đầy biến động của Quảng Ngãi những năm đầu thế kỷ XX đã để lại nhiều dấu ấn khó phai nhoà trong ký ức tuổi thơ của một người cộng sản mẫu mực, đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời và tuổi trẻ cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc.
 

Năm 1906, khi Trần Phú mới lên 2 tuổi, cả gia đình phải dời nơi ở từ Phú Yên ra Quảng Ngãi vì thân sinh đồng chí là cụ Trần Văn Phổ, theo lệnh triều đình thôi giữ chức giáo thụ Tuy An (Phú Yên) về Quảng Ngãi giữ chức tri huyện Đức Phổ. Cũng chính vào lúc này, phong trào Duy Tân do các sĩ phu yêu nước (Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp...) khởi xướng từ Quảng Nam lan rộng vào Quảng Ngãi, Bình Định trước khi ảnh hưởng đến cả nước.

Là người từng đỗ đầu kỳ thi Hương năm Đinh Dậu (1897) tại Trường thi Nghệ An, xuất thân trong một gia đình nho học, thanh bạch và giàu khí tiết, lại có nhiều năm làm quan ở những vùng đất nghèo khó, dân tình cơ cực, cụ Trần Văn Phổ nhanh chóng chịu ảnh hưởng và âm thầm dành nhiều cảm tình đối với những nhà hoạt động trong phong trào Duy Tân mà cụ đã ít nhiều quen biết hoặc nghe nói đến. Đó là cử nhân Nguyễn Đình Quảng (người làng Phong Niên, huyện Sơn Tịnh, đỗ cử nhân cùng năm với cụ Trần Văn Phổ nhưng không ra làm quan); cử nhân Lê Đình Cẩn; tú tài Nguyễn Tuyên (người huyện Đức Phổ - thân sinh đồng chí Nguyễn Nghiêm); chí sĩ Phan Long Bằng, Nguyễn Bá Loan, cử nhân Lê Tựu Khiết…

Sẵn có cảm tình với phong trào Duy Tân, lại làm quan đứng đầu ở một huyện vốn giàu tài nguyên nhưng người dân lại sống trong cảnh bần hàn, sưu cao thuế nặng, chịu nhiều áp bức đọa đày của thực dân, phong kiến nên tri huyện Trần Văn Phổ đã nhìn thấy tình cảnh cùng cực của người dân trong hạt mình cai quản, căm ghét bọn lính Tây đồn trú hống hách, lộng quyền.

Năm 1908, một biến cố chính trị quan trọng đã diễn ra ở Trung Kỳ, làm rung động bộ máy cai trị của thực dân Pháp và triều đình tay sai nhà Nguyễn, đó là phong trào kháng thuế - cự sưu . Khởi phát từ Quảng Nam vào đầu tháng 3, phong trào lan nhanh vào Quảng Ngãi và nhanh chóng trở nên dữ dội, quyết liệt vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-1908. Từ khắp 6 phủ, huyện của tỉnh Quảng Ngãi, từng đoàn người ăn mặc rách rưới, cơm gói mo cau, nước đựng ống tre, lũ lượt kéo nhau về bao vây huyện lỵ, bao vây Toà sứ, Nhà đoan, đòi giảm sưu, giảm thuế, phản đối bọn quan lại tham ô.

Tiếng người đọc to những bài vè kể khổ, tiếng trống, tiếng mõ, tiếng tù và, lại thêm tiếng chuông nhà thờ do các cha xứ người Pháp gióng lên báo động, tạo nên một không khí náo động, dữ dội khắp các vùng trong tỉnh, đặc biệt là ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Theo lệnh của viên công sứ Pháp tại đây, lính tây, lính khố đỏ, lính tập thẳng tay xả súng vào đoàn người biểu tình khiến nhiều người chết và bị thương, nhiều người khác bị bắt, sau đó bị cầm tù, xử chém hoặc bị đày đi Côn Đảo.

Tri huyện Trần Văn Phổ cũng như các viên quan khác đứng đầu các phủ, huyện của tỉnh Quảng Ngãi được lệnh khâm sứ Trung Kỳ và Nam triều phải ra tay đàn áp những người xin xâu kháng thuế, ngăn cản không cho họ kéo về tỉnh đường. Nhưng cụ Trần Văn Phổ đã có sự lựa chọn riêng chống lại lệnh của Triều đình, một mặt vẫn để yên cho dân chúng hành động, mặt khác kiên quyết không nộp lúa, nộp người phục dịch theo lệnh tên quan Pháp đồn trưởng để chúng thực hiện đàn áp dân lành. Trong đêm 18.4.1908, Cụ đã tuẫn tiết để kháng lệnh đàn áp nhân dân, thể hiện "trung - can - nghĩa - khí" của mình đối với dân, với nước.

Cái chết bi phẫn của người chồng, người cha đầy khí phách, một mặt đã khiến cả gia đình đông đúc một mẹ tám con lâm vào cảnh khốn cùng, mặt khác đã tác động sâu xa vào ý thức và chắc chắn đã góp phần không nhỏ vào sự lựa chọn con đường đấu tranh cách mạng của một trong số tám người con của ông bà Trần Văn Phổ - Hoàng Thị Cát, đó là  đồng chí Trần Phú.

Năm 1910, khi Trần Phú mới 6 tuổi thì bà Hoàng Thị Cát lâm bệnh và qua đời sau những tháng ngày tảo tần, cơ cực. Trần Phú cùng anh chị em về Quảng Trị, bắt đầu một đoạn đời khác trong cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, nương tựa vào nhau mà sống, mà tự lập thân...

Trong một số tài liệu, khi nói đến giai đoạn bà Hoàng Thị Cát cùng các con ở  Quảng Ngãi, trong cảnh thiếu thốn bần hàn, ngoài sự tảo tần của bà mẹ, cố gắng của những người con, gia đình còn được nhân dân đùm bọc, cưu mang nên sống được qua ngày.

Lịch sử nhiều khi có những sự kiện ngẫu nhiên trùng hợp thật diệu kỳ. Năm 2014, cùng với toàn Đảng, toàn dân kỷ niệm 110 năm ngày sinh, 83 năm ngày mất của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi cũng đồng thời kỷ niệm 110 năm ngày sinh, 83  năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Nghiêm - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, người sinh ra và lớn lên tại huyện Đức Phổ, nơi từng ghi dấu một đoạn đời thơ ấu của đồng chí Trần Phú.

Quảng Ngãi tự hào là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, là nơi đã gắn bó sâu sắc với quãng thời thơ ấu, cũng là nơi đã góp phần hình thành nên tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú kính yêu. Hơn 80 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Quảng Ngãi luôn khắc ghi lời cặn dặn của đồng chí: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu" đã làm nên những chiến công hiển hách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như khởi nghĩa Ba Tơ, Trà Bồng quật khởi, chiến thắng Ba Gia, Vạn Tường … và ngày nay đang quyết tâm xây dựng quê hương Núi Ấn- Sông Trà giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, cùng với cả nước hướng đến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".


                                                                           
                                                                                     THANH AN
 


.