Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Luật Phòng không nhân dân là luật hoàn toàn mới để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng ta về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, được thông qua bằng Nghị quyết số 44 tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Sáng 1/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật để cho ý kiến về một số nội dung quan trọng trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV tới đây.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 2 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến đối với 2 nhóm vấn đề.
Thứ nhất là các dự án luật dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 để xem xét lần đầu. Trong nhóm này có 4 dự án luật sửa đổi và bổ sung là: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi).
Bên cạnh đó, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến hồ sơ dự án Luật Phòng không nhân dân.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
“Đây là luật hoàn toàn mới để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng ta về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, được thông qua bằng Nghị quyết 44 năm 2023 tại Hội nghị Trung ương 8”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các dự án luật này nhìn chung đều phải trải qua quy trình trình xem xét, thông qua tại 2 kỳ họp.
Tuy nhiên, đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Nghị quyết 41 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 có kết luận: trường hợp dự án luật này được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội có sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024 theo quy trình tại 1 kỳ họp.
“Dự án luật này, Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nếu chúng ta chuẩn bị tốt, có sự đồng thuận cao thì có thể thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 7”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Nhóm vấn đề thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, bắt đầu từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, và nội hàm cơ bản nhất của cải cách chính sách tiền lương lần này đó là trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh của cán bộ lãnh đạo. Theo đó, để tiến hành xây dựng được hệ thống thang bảng lương thì việc đầu tiên là phải xây dựng được vị trí việc làm.
Trong phân công của Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết này làm căn cứ xây dựng thang bảng lương. Phạm vi là áp dụng cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau phiên họp chuyên đề pháp luật lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp tiếp để cho ý kiến một số dự án luật, dự thảo nghị quyết khác trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.
Do đó, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tăng cường phối hợp các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan trình sớm có tài liệu để tổ chức họp, cho ý kiến.
Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Theo VĂN TOẢN/Nhandan.vn