Chủ tịch Hồ Chí Minh với các em học sinh Trường Trung học Trưng Vương, Hà Nội (1956). ẢNH: TL |
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày xuân, đọc bài thơ “Cảm ơn người tặng cam” của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng khiến chúng ta thấm thía hơn về tấm lòng của Người. Ẩn chứa trong sự bình dị của ngôn từ là những giá trị cao cả về tư tưởng, tình cảm, đạo đức trong sáng được kết tinh từ tâm hồn, cốt cách và tư duy minh triết của một danh nhân văn hóa - nhà thơ Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp của Bác Hồ không phải là sự nghiệp văn chương, mà là sự nghiệp cách mạng. Bác làm thơ không phải để thể hiện tài năng thi sĩ, mà chính là thể hiện tư tưởng, tình cảm của người cộng sản Hồ Chí Minh. Bài thơ “Cảm ơn người tặng cam” mở đầu bằng một câu thơ rất bình dị, cái bình dị tỏa ra từ tiếng nói tự nhiên, sâu thẳm trong tâm thức văn hóa của thi nhân: “Cảm ơn bà biếu gói cam”. Lời thơ không màu mè nhưng nghĩa tình trong thơ thì thật sâu nặng. Là lãnh tụ, là Chủ tịch nước được người dân biếu "gói cam", vậy mà Bác đã làm thơ cảm ơn. Câu thơ mở đầu tuy giản dị nhưng Bác đã để lại cho chúng ta bài học đạo đức về xử thế, một phép lịch sự tối thiểu trong ứng xử văn hóa. Bác từng dạy rằng, "cán bộ người là đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Ý nghĩa đạo đức trong bài thơ không chỉ dừng lại ở hành vi ứng xử văn hóa thông thường, mà còn có ý nghĩa sâu xa hơn, đó là việc rèn luyện đạo đức cách mạng. Đây mới là vấn đề Bác muốn dẫn dụ chúng ta ở câu thơ tiếp theo: “Nhận thì không đúng, từ làm sao đây!”.
Cảm ơn người tặng cam Cảm ơn bà biếu gói cam Nhận thì không đúng, từ làm sao đây! Ăn quả nhớ kẻ trồng cây Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai? HỒ CHÍ MINH |
Theo nhà văn Vũ Ngọc Phan, ban đầu bài thơ được in là "Nhận thì không đáng", sau bản in của Nhà xuất bản Văn học, Bác đã sửa lại "Nhận thì không đúng". Nguyên ý Bác tự cải chính từ "đáng" in nhầm của bản in lần đầu thành từ "đúng" đã cho thấy dụng ý nghệ thuật của Người trong việc sử dụng ngôn ngữ để thể hiện tư tưởng, tình cảm của mình. Bởi nếu dùng từ "đáng" sẽ làm cho tư tưởng của bài thơ nhẹ hẳn đi. Dùng từ "đúng" trong tổ hợp từ "Nhận thì không đúng" sẽ làm cho tư tưởng bài thơ có sức nặng hơn, minh triết hơn. Bởi lẽ, là cán bộ cách mạng, là lãnh tụ của nhân dân thì phải nêu cao tấm gương đạo đức: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", thì làm sao Bác có thể “nhận quà” của người dân, dù đó chỉ là một gói cam nhỏ bé? Vì nếu Bác nhận được thì những người cán bộ cách mạng cũng sẽ không “từ chối” khi được tặng quà. Từ việc nhận những món quà nhỏ bé mang nét văn hóa giao tiếp như thế sẽ dẫn đến thói quen "nhận quà" và xem đó như là một “điều kiện” đầu tiên trong giải quyết công việc của nhân dân. Như vậy, sẽ rất nguy hiểm cho việc trị nước. Do đó, Bác không muốn tạo ra một tiền lệ. Hơn ai hết, Bác nhận thấy nếu tiền lệ này tồn tại sẽ làm hư hỏng những người cán bộ cách mạng. Thế nên, Bác đã đắn đo suy nghĩ "nhận thì không đúng", nhưng "từ làm sao đây". Bởi về một phương diện nào đó, "gói cam" không chỉ là món quà theo nghĩa vật chất đơn thuần, mà còn là tấm lòng, là tình cảm chân thành của nhân dân dành cho Bác.
"Của một đồng công một lượng", một "gói cam" nào có giá trị vật chất là bao nhưng giá trị tinh thần thì vô cùng to lớn. Sự mâu thuẫn trong tâm trạng của Bác ở đây là sự đấu tranh giữa lý và tình, giữa đạo đức và tình cảm, giữa cái được và cái có thể mất. Chính sự đấu tranh nội tâm này càng làm sáng lên đạo đức cách mạng cao cả của Bác, đạo đức của một con người suốt đời dấn thân, tận hiến cho dân, cho nước. Từ suy nghĩ này, Bác đã nâng tư tưởng bài thơ lên tầm cao mới đầy tính nhân văn và cách mạng. Đó là việc giải quyết mối quan hệ xã hội giữa nhân dân với người cán bộ như thế nào, để vừa giữ được tình cảm với nhân dân, vừa giữ được nguyên tắc trong việc thực thi phận sự người công bộc của dân. Ở câu thứ ba của bài thơ, tác giả lại chuyển ý thơ trở về với những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc bằng cách vận dụng tục ngữ vào thơ thật tài tình: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Quy luật liên tưởng trong sáng tạo thơ được Bác vận dụng một cách linh hoạt và nghệ thuật. Từ sự băn khoăn về việc nhận hay không nhận gói cam, “Nhận thì không đúng, từ làm sao đây”, Bác đã liên tưởng đến truyền thống đạo đức của dân tộc, đó là bài học về lòng biết ơn, về sự tri ân “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Cũng từ suy nghĩ đó, Người đã nâng chủ đề bài thơ lên một tầng nghĩa mới, với một ánh sáng mới, ánh sáng của văn hóa tương lai mà Hồ Chí Minh là một biểu tượng, ở câu thơ cuối bài: “Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai”. Thật sâu sắc và trí tuệ, từ việc biếu cam, Bác đã liên tưởng đến quy luật "khổ tận cam lai", nghĩa là sau những ngày cay đắng, gian khổ sẽ đến những ngày tươi sáng ngọt ngào. "Khổ tận cam lai", câu thơ mang ý nghĩa triết lý nhân sinh, đồng thời cũng thể hiện bản chất lạc quan trong thơ Bác - chất lạc quan Hồ Chí Minh. Đây cũng là tinh thần "hết khổ là vui tất lẽ đời", "hết mưa là nắng hửng lên thôi" mà Bác đã từng nói đến trong tập thơ “Nhật kí trong tù” của Người.
Thơ Bác là thơ chính trị, thơ tuyên truyền nhưng cũng là thơ thấm đượm triết lý nhân sinh với tinh thần nhân văn sâu sắc. Đọc lại bài thơ "Cảm ơn người tặng cam" của Bác trong những ngày xuân, khi đất trời, thiên nhiên đang khoe sắc mới, khi chúng ta đang thực hiện đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm thực hiện hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thiết nghĩ cũng là một việc hữu ích. Bài thơ không những góp phần khẳng định giá trị thơ văn của Bác, mà quan trọng hơn là dạy chúng ta bài học về rèn luyện đạo đức làm người, với những ứng xử văn hóa mang tính nhân bản nhằm hoàn thiện nhân cách văn hóa của mình.
Một xã hội chỉ có thể tốt đẹp khi con người không bị méo mó về nhân cách, nhất là nhân cách của những người lãnh đạo, quản trị đất nước. Chỉ có một xã hội tốt đẹp với những con người có nhân cách văn hóa cao đẹp thì đất nước mới có tương lai tươi sáng để "sánh vai với các cường quốc năm châu" như khát vọng của Bác lúc sinh thời. Đó cũng là thông điệp văn hóa đầy tính nhân văn mà Bác gửi lại chúng ta qua bài thơ “Cảm ơn người tặng cam” nói riêng và thơ văn của Bác nói chung...
THIỆN MỸ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: